Đệ trình UNESCO Hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
Cập nhật: 22/01/2009
Sáng ngày 19/1/2009, Bộ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hoá thế giới chính thức được Trung tâm bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội gửi tới Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO tại Paris.

Bộ hồ sơ bằng tiếng Việt và tiếng Anh, gồm 9 mục, 162 trang, bao gồm chi tiết các nội dung xác định giá trị di sản, mô tả di sản, lý giải việc đăng ký tên, tình trạng bảo tồn và những nhân tố tác động đến di sản, các giải pháp bảo vệ và quản lý di sản; việc giám sát phát huy giá trị di sản, lập hồ sơ tư liệu, thông tin liên hệ của các cơ quan hữu trách và chữ ký đại diện cho các quốc gia thành viên.

Kèm theo đó là một bộ phim dài 45 phút và một slide gồm 84 ảnh giới thiệu về Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội.

Ông Trần Quang Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết: Từ 1/2/2009 - quý 1/2010, các chuyên gia của UNESCO sẽ nghiên cứu bộ hồ sơ này, và có thể sẽ sang Việt Nam khảo sát di sản. Kết quả khảo sát sẽ báo cáo với Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO tại phiên họp toàn thể của Ủy ban vào khoảng tháng 6-7/2010.

Nếu được UNESCO công nhận Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội trở thành di sản văn hoá thế giới, đây sẽ là sự kiện có ý nghĩa đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội, diện tích hơn 18.000 m2. Quá trình khai quật tại 18 Hoàng Diệu trong 5 năm qua đã phát lộ một quần thể di tích gồm nhiều loại hình di tích kiến trúc dưới lòng đất, chứng minh sự hiện hữu lịch sử lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, trải từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ thứ 7-9), qua thời Đinh- Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời kỳ Thăng Long - Hà Nội, đến các vương triều Lý- Trần - Lê - Nguyễn (từ năm 1010 đến đầu thế kỷ 20).

Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích này là có nhiều tầng văn hoá của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn, là nơi hội tụ và và kết tinh các giá trị văn hoá dân tộc. Những di vật ở di chỉ Khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tại 18 Hoàng Diệu còn cho thấy Thăng Long- Hà Nội vừa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá trong thời gian dài hơn nghìn năm, vừa là nơi tiếp xúc, tiếp thu những tư tưởng văn hoá của các vùng, các quốc gia có nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Trung cận Đông và Đông Nam Á.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ