Đưa du lịch Hậu Giang thành ngành kinh tế tổng hợp
Cập nhật: 08/08/2013
(TITC) - Hậu Giang không những mang đặc thù của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với mạng lưới sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, đất đai phì nhiêu, những vườn cây trái xanh tươi trĩu quả mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư địa phương cùng những di tích lịch sử có giá trị.
Thêm vào đó, Hậu Giang còn nằm trong cụm du lịch trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang,  TP. Cần Thơ) với lượng khách đến tham quan hàng năm cao nhất vùng, có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận tiện…


Tận dụng tiềm năng du lịch phong phú, những năm qua, Hậu Giang đã chú trọng phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch khám phá sông nước, miệt vườn, sinh thái, về nguồn với các điểm đến tiêu biểu như chợ nổi Phụng Hiệp, khu du lịch sinh thái Tây Đô, khu du lịch sinh thái Phú Hữu, đền thờ Bác Hồ, khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, khu di tích Tầm Vu, khu chiến thắng Cái Sình,… Trong đó, điểm du lịch chợ nổi Phụng Hiệp với không khí nhộn nhịp, sông nước mênh mông, những ghe, thuyền đầy ắp nông sản, trái cây đậu san sát nhau và những người nông dân tất bật mời chào khách mua hàng… thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.

Bên cạnh đó, Hậu Giang còn tập trung đầu tư phát triển các điểm du lịch cộng đồng như: điểm du lịch cộng đồng tại khóm Cầu Đúc (xã Hỏa Tiến, TP.Vị Thanh), xã Long Trị (huyện Long Mỹ), xã Phú Hữu (huyện Châu Thành)…, dự kiến, các điểm này sẽ bắt đầu được đưa vào khai thác trong năm 2013. Khi các điểm này đi vào hoạt động, kết hợp với loại hình du lịch khám phá, về nguồn sẽ tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng của Hậu Giang.

Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế tổng hợp, góp phần tăng trưởng GDP và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, Hậu Giang xác định sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sẵn có bằng việc tập trung trùng tu, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa; vận động, khuyến khích nhân dân địa phương khôi phục các làng nghề truyền thống; đăng ký thương hiệu các sản phẩm hàng hóa để làm quà tặng cho du khách; triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân để phát triển mạnh loại hình du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay); xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chi tiết phát triển du lịch (các khu, điểm du lịch, các tour, tuyến du lịch; hệ thống giao thông phục vụ du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú, thương mại, nhà hàng, làng nghề truyền thống, nhà vệ sinh đạt chuẩn,…); phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh và Trung ương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Hậu Giang đến với du khách trong và ngoài nước…

Đây là những bước đi khẳng định sự nỗ lực trong việc phát triển du lịch của chính quyền địa phương, phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành một trong những điểm đến tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

                                                                                                                  Thanh Hải