Bảo tồn nghệ thuật hát aday của đồng bào Khmer
Cập nhật: 29/01/2024
Hát aday của đồng bào dân tộc Khmer là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời.

Trong hát aday sẽ có một bên là nam và một bên là nữ hát đối đáp đan xen nhau trên nền nhạc; có khi là một lời ví von quen thuộc, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn.

Ông Danh Kỳ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát aday ấp 4 (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Hát aday được trình diễn trong các dịp lễ hội, dần dần hát góp vui trong các nghi lễ gia đình hay các cuộc vui trong phum, sóc. Đôi khi, trong lối hát đối đáp aday còn kèm các điệu múa, vừa múa vừa hát đối nhau bằng nhiều câu hát đố, ai không đáp được coi như thua cuộc và người khác phải cất tiếng hát đáp thay. Dàn nhạc đệm đầy đủ cho hát aday gồm nhiều nhạc cụ truyền thống, như: T’ro sô (đàn cò), t’rou (đàn gáo), khum (tam thập lục), khlai (sáo trúc), ch’hưm (chập chả), tà khê (đàn cá sấu), sko đay (trống vỗ)”.

Câu lạc bộ hát aday ở ấp 4 và ấp 5, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) trình diễn nghệ thuật hát aday.

Thời gian qua, nhận thấy nghệ thuật hát aday của đồng bào Khmer có nguy cơ mai một, tỉnh Hậu Giang đã triển khai Đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát aday của đồng bào Khmer Nam Bộ”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho biết: “Nhằm bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian hát aday, khi triển khai Dự án 6 ("Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch") thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, tỉnh Hậu Giang có thêm nguồn kinh phí để giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer, trong đó có hát aday. Cùng với đó, tại Hậu Giang có 6 chùa được hỗ trợ nhạc cụ và trang phục cho loại hình nghệ thuật aday, 10 bộ trang phục dành cho ca sĩ và nhạc công với trị giá hơn 200 triệu đồng”.

Trên cơ sở mong muốn của địa phương về bảo tồn giá trị tiêu biểu của hát aday, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa hát aday vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1676/QÐ-BVHTTDL ngày 26/05/2021. Đồng chí Phan Hoàng Minh, Phó chủ tịch UBND xã Xà Phiên cho biết: “Sau khi nghệ thuật hát aday được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xã đã được đầu tư kinh phí xây dựng hai sân khấu phục vụ biểu diễn ở ấp 4, ấp 5 và củng cố các câu lạc bộ hát aday. Ban đầu, nhiều bạn trẻ không tự tin khi hát aday, động tác múa còn vụng về. Từ khi địa phương mở các lớp tập huấn về nghệ thuật hát aday, rồi thành lập câu lạc bộ, nhiều bạn trẻ đến sinh hoạt, giao lưu thường xuyên đã góp phần tạo sân chơi lành mạnh, qua đó phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng những nhân tố mới cho nghệ thuật độc đáo này”.

Bài và ảnh: Lan Anh

Báo Quân đội nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 28/01/2024