Phát triển loại hình du lịch văn hóa bản địa Tây Nguyên: Tôn trọng sự khác biệt về sắc thái văn hóa
Cập nhật: 05/08/2021
Sự khác biệt về sắc thái văn hóa tộc người không những làm nên sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam mà còn là nguồn tài nguyên quý để phát triển loại hình du lịch văn hóa bản địa độc đáo. Nhưng thực tế tiếp cận, tìm hiểu, trải nghiệm và khai thác sự khác biệt ấy nhiều khi chưa thật thỏa đáng, vẫn có những khoảng lệch nhất định.

Bản sắc văn hóa độc đáo của người Chu Ru

Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty Du lịch dã ngoại Phương Nam, cũng bày tỏ tán đồng: “Mỗi dân tộc sở hữu một bản sắc văn hóa riêng. Vì thế, khi có sự tiếp xúc, phải chấp nhận sự khác biệt đó, cũng không nên đem cái nhìn, quan niệm sống của dân tộc này phán xét dân tộc kia thế này, thế nọ, bắt họ phải là như này, không được là như kia. Mà không chỉ có vậy, người làm du lịch văn hóa bản địa cần phải biết dựa vào những nét đặc thù về phong tục, tập quán, về mô hình sinh kế, tri thức địa phương của chủ thể văn hóa, để từ đó định hình nên các sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Theo ông Phúc, trong thời buổi hội nhập văn hóa, đối thoại văn hóa sâu rộng như hiện nay, những giá trị riêng, chuẩn mực riêng của mỗi dân tộc ngày càng trở nên quý. Bởi những khác biệt đó là cơ sở tạo nên hệ giá trị đặc thù của nền văn hóa đang được đề cập. Nhờ có hệ giá trị riêng biệt ấy, mới có thể hội nhập, mới có thể đối thoại, mới có thể học hỏi lẫn nhau. Do vậy, giữ gìn sự khác biệt về sắc thái văn hóa tộc người, cũng là cách làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Bà Đinh Thị Nga, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa của các dân tộc thiểu số trên đất Lâm Đồng, thì chia sẻ: “Có thể do thiếu hiểu biết, hoặc chiều thị hiếu tầm thường, hoặc không đánh giá được giá trị nguyên bản của văn hóa bản địa trong việc khai thác du lịch từ các yếu tố văn hóa địa phương nên một số người cố tình làm thay đổi bản sắc văn hóa tộc người, gây lẫn lộn giữa dân tộc này với dân tộc khác. Hệ lụy của cách làm này là du khách sẽ nhìn về dân tộc đó khác đi. Cách làm du lịch như thế không thể mang lại sự bền vững. Một khi du khách hiểu ra yếu tố nọ, yếu tố kia là do thêm thắt, họ sẽ rất thất vọng và sẽ không đến những nơi như vậy nữa”.

Theo bà Nga, cách tốt nhất vẫn là giữ nguyên các giá trị văn hóa gốc để cho du khách hiểu dân tộc đó mặc thế nào, ăn uống ra làm sao, đi lại và vui chơi giải trí như thế nào. Tự thân những giá trị nguyên bản đã có sức hút rất mãnh liệt với du khách. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Kiều, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt, nhìn nhận: Từ thực tế điền dã cho thấy, giữa du khách và cư dân bản địa khi tiếp xúc với nhau vẫn chưa có được mối quan hệ hài hòa. Thế nên, vai trò chủ động của nhà tổ chức tour du lịch văn hóa bản địa rất quan trọng. Trước khi dẫn du khách trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa, nếu nhà tổ chức tour giới thiệu sơ qua cho du khách về miền đất, con người, đặc biệt là những thực hành văn hóa sở tại sẽ tránh được những va chạm do khác biệt về sắc thái văn hóa. Bên cạnh đó, cư dân bản địa cũng nên tìm hiểu nhu cầu, sở thích, những điều du khách muốn lý giải, để một mặt đưa văn hóa bản địa đến gần hơn với du khách, mặt khác vẫn giữ được nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình.

Ông Hoàng Đình Khải, một trong những người đầu tiên ở Lâm Đồng sân khấu hóa nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên, nói thêm: “Mỗi cá nhân trong những cộng đồng văn hóa riêng biệt đều có khả năng tự điều chỉnh hành vi để thích ứng với thời đại mới. Vì thế, chúng ta chỉ cần có cái nhìn rộng mở trước các hiện tượng văn hóa khác biệt, sẽ vượt qua rào cản và tìm được tiếng nói chung”.

Triều Ka

Báo Lâm Đồng