Bình Định: Võ thuật miền cổ tháp
Cập nhật: 12/07/2021
Bình Ðịnh được mệnh là "đất võ trời văn". Nơi đây núi non hùng vĩ, biển mênh mông lộng gió, đã ghi dấu bao chiến công hiển hách của người anh hùng dân tộc áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ðiều đáng nói, nhiều võ đường vẫn giữ nét độc đáo của võ cổ truyền, đưa "võ đức" vào đời sống và phát triển cả ở hệ thống trường học.

Dưới chân cổ tháp, nhiều võ sư đã lan tỏa tinh thần "võ đức". Ảnh: Nguyễn Phước Hoài.

Ðã bao chuyến rong ruổi các tỉnh miền trung và chẳng ít lần "lên rừng, xuống biển" Bình Ðịnh, lần nào trong tôi cũng ngợp đầy cảm xúc về vùng đất hào phóng, thân thiện, dễ gần. Tôi mê mải với các kiến trúc tháp Chăm cổ. Ðến tháp Dương Long ở xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn), tôi được gặp đại võ sư Hồ Sừng, võ sư Hồ Cương, Hồ Sỹ và nhiều võ sinh tập luyện, biểu diễn võ thuật. Tôi được tìm hiểu về tính liên hoàn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương - nhu, giữa công - thủ, giữa mạnh - yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân). Ðó là những đặc điểm nổi bật của võ cổ truyền Bình Ðịnh. Vài chục năm trước, khi còn trẻ, đại võ sư Hồ Sừng vẫn thường đến chân tháp Dương Long tập quyền pháp. Ông cũng thường dạy các học trò có nhiều triển vọng tại đây. Ðại võ sư Hồ Sừng tâm sự, không gian của ba tòa tháp Dương Long rất thoáng, giữa khuôn viên rộng, khuôn viên này lại nằm giữa một cánh đồng bát ngát. Tập luyện bên công trình văn hóa đẹp, không gian khoáng đạt tuyệt vời nên có rất nhiều điều thú vị.

Ðại võ sư Hồ Sừng dạy các học trò không chỉ võ thuật, quyền pháp, sử dụng các binh khí là nông cụ của người nông dân như cây cào, khăn, quạt… mà còn truyền võ đức cho học trò. Bây giờ, ông Hồ Sừng ít dạy hơn. Nối nghiệp tổ tiên, phát triển võ đường Hồ gia là ông Hồ Cương - con cả ông Hồ Sừng. Võ sư Hồ Cương tự hào: "Con cháu của Hồ gia như các anh Hồ Bé, Hồ Sửu, Hồ Dư, Hồ Thứ, Hồ Hiệp, Hồ Sỹ, các chị Hồ Thị Thảo, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Ðức Hạnh... đều sớm bộc lộ năng khiếu võ thuật. Có người mở lò dạy võ tại nhà, có người được chọn vào đội võ thuật của Bảo tàng Quang Trung. Ðặc biệt, lò võ Hồ gia đã cung cấp cho Câu lạc bộ Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Ðịnh nhiều nhân tài võ thuật như Hồ Thị Diêu, Hồ Văn Núi, Hồ Văn Tú...".

Gần đây, đến tháp Phú Lốc, thuộc phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn) tôi cũng được gặp võ sư Lê Xuân Cảnh (Chủ nhiệm võ đường Lê Xuân Cảnh) dạy học trò để "thay đổi không khí". Võ sư Lê Xuân Cảnh chia sẻ rất nhiều điều về võ thuật cổ truyền. Ông bảo, tinh thần của võ Việt Nam nói chung là để phòng thân và cứu giúp người hoạn nạn chứ chẳng phải để khoa trương. Võ cổ truyền Bình Ðịnh cũng vậy, cùng góp phần làm đẹp văn hóa.

Võ sư Lê Xuân Cảnh đã biểu diễn võ quạt, võ khăn một cách vô cùng điêu luyện. Trong các binh khí thì khăn và quạt là hai thứ lành hiền, có về mềm mại. Ðôi khi người ta còn ví như thiếu nữ đất võ, nhìn mặt phúc hậu, tay chân mềm yếu, nhưng không thể bắt nạt vì họ có… võ. Ông đang cố gắng truyền dạy cho nhiều học trò tập sử dụng hai binh khí này. "Chiếc khăn là vật quấn lên đầu. Ngày xưa, người Bình Ðịnh đã uyển chuyển biến khăn thành vũ khí và dần dần võ khăn trở nên rất lợi hại. Khăn lụa có thể dùng quật, móc lại có thể trói, khóa đối phương và khi thuần thục thì có thể thắng nhiều loại vũ khí khác", ông Cảnh cho hay.

Võ sinh hăng say tập luyện. Ánh chiều lấp lóa không gian. Bóng tháp Chăm trăm năm đổ bóng. Thật may mắn khi vừa được hiểu về võ thuật, vừa được đắm chìm trong không gian, kiến trúc tuyệt diệu. Võ và hệ thống tháp Chăm là những di sản văn hóa của Bình Ðịnh. Võ cổ truyền được gìn giữ, phát triển bởi rất nhiều nghệ nhân, võ sư từ hàng trăm năm qua. Ở các huyện, thị xã, thành phố đều có nhiều võ đường, hằng ngày dạy, rèn luyện sức khỏe, sự tinh tường, dẻo dai và cả đức độ cho các thế hệ học trò. Còn hệ thống tháp Chăm đã được quan tâm trùng tu, bảo tồn, dù không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ngoài trùng tu hệ thống tháp cổ việc quy hoạch và xây dựng khuôn viên chung quanh tháp và đường vào tháp, sân đậu xe, tường rào, cổng ngõ và hệ thống quản lý phục vụ bán vé, hướng dẫn khách tham quan cũng được quan tâm.

Hiện nay, 14 tháp Chăm ở Bình Ðịnh chia làm tám cụm, là 14 tác phẩm tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cổ. Những hình khối, đường nét của những tòa tháp ấy hiện lên, vừa khỏe mạnh, tinh tế mềm mại, vừa huyền ảo, kỳ bí. Ở các địa phương khác, nhiều tháp chỉ còn là phế tích nhưng ở Bình Ðịnh vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Tháp Dương Long ở xã Bình Hòa được xây dựng vào cuối thế kỷ 12, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn hóa nghệ thuật Chăm-pa, là một quần thể gồm ba tháp tuyệt đẹp. Tháp có nhiều tên gọi. Ngoài tên tháp phổ biến là Dương Long, tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà). Trong số các tháp Chăm còn lại trên đất Bình Ðịnh, có một quần thể di tích khá độc đáo nằm ngay trên địa phận phường Ðống Ða (TP Quy Nhơn), đó là tháp Hưng Thạnh, còn gọi là Tháp Ðôi. Về phong cách tháp có nhiều nét tương đồng với khu tháp Dương Long, đều là những công trình kiến trúc được xây dựng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 13. Ngoài ra Bình Ðịnh còn tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc (huyện An Nhơn), tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước); tháp Thủ Thiện (huyện Tây Sơn)… Ðều là những công trình văn hóa kỳ vĩ thu hút khách tham quan, các võ sinh chọn lựa là những điểm đến, vừa tham quan, trải nghiệm và tìm cảm giác kết nối giữa quá khứ - hiện tại, luyện quyền.

Vào tháng 3/2021, UBND tỉnh Bình Ðịnh có Văn bản số 1289/UBND-VX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề xuất lập hồ sơ đề cử Võ cổ truyền Bình Ðịnh, trình UNESCO xem xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Văn bản nêu rõ: Võ cổ truyền Bình Ðịnh xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn vào thế kỷ 18 đã thể hiện rõ nét. Võ cổ truyền Bình Ðịnh thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc.

Trần Mừng

Báo Nhân dân