Bảo tồn sự độc đáo và sống động của sử thi Tây Nguyên
Cập nhật: 10/12/2008
Trong số 37 tham luận trình bày tại Hội thảo quốc tế về sử thi Việt Nam do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây, có tới 11 tham luận nói về sử thi Tây Nguyên.

Không phải ngẫu nhiên mà một hội thảo lớn về văn hóa mang tầm quốc tế lại được tổ chức ở Tây Nguyên. Đây chính là ngụ ý của những người “thiết kế” chương trình này muốn tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa trong và ngoài nước được “mắt thấy, tai nghe” về sự độc đáo, phong phú và hết sức sống động của sử thi Việt Nam nói chung, sử thi Tây Nguyên nói riêng.

Trong quá trình giao lưu hội nhập những năm gần đây, vai trò văn hóa các dân tộc được đặt đúng vị trí quan trọng của nó. Một trong những bằng chứng của điều đó là Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên” được thực hiện từ cuối năm 2001 đến cuối năm 2007... Khi dự án kết thúc, những người trong cuộc vui mừng với kết quả ngoài sự mong đợi: 801 tác phẩm được sưu tầm; phiên âm 123 tác phẩm; dịch nghĩa 115 tác phẩm và đã có 75 tác phẩm được in trong 62 tập sách với 60.400 trang in.

Theo đánh giá của GS-TS Nguyễn Xuân Kính, Viện Nghiên cứu Văn hóa: “Kết quả của dự án này cho thấy, Tây Nguyên và các vùng phụ cận là vùng đất đã tồn tại và đang lưu giữ một kho tàng sử thi phong phú, đồ sộ, vào loại hiếm có trên thế giới”. Để có được kết quả này, phải kể đến những đóng góp to lớn của các nghệ nhân như: Điểu Klung (Đắc Lắc), Điểu Kâu, Điểu Mpi Ơih (Đắc Nông), Me Jéch (Bình Phước)...

Sự có mặt của nghệ nhân Điểu Klung (dân tộc M’ Nông xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) tại hội thảo đã thu hút sự chú ý của hầu hết các đại biểu. Ông không chỉ là người thuộc nhiều sử thi nhất và góp công lớn vào việc sưu tầm hơn 100 tác phẩm sử thi M’ Nông mà còn là một trong những nghệ nhân hát kể (diễn xướng) sử thi hay vào loại bậc nhất ở Tây Nguyên hiện nay. Nghệ nhân Điểu Klung trăn trở: “Điều mong muốn của mình bây giờ là làm cách nào đó để nhiều người, mà nhất là thế hệ trẻ người dân tộc M’ Nông của mình biết đến sử thi. Vì hiện nay thực tế ở nhiều buôn làng M’ Nông, nhiều người già cũng không biết sử thi”. Theo lời nghệ nhân Điểu Klung, những tác phẩm sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi M’ Nông nói riêng đã sưu tầm được cần xuất bản và phát hành rộng rãi, hoặc chuyển thể sang các loại hình khác để chuyển tải tới nhiều người. Nghệ nhân cũng lo lắng về sự mai một của không gian diễn xướng sử thi như: nhà rông, nhà dài, rừng và nương rẫy đang bị những tác động tiêu cực…

Cùng những trăn trở về bảo tồn và phát huy giá trị của sử thi Tây Nguyên, nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định: “Theo kết quả nghiên cứu mới đây của chúng tôi cho thấy: Không phải vì những tác động mạnh mẽ của đời sống kinh tế-xã hội mà người Tây Nguyên ngày nay đã hoàn toàn quay lưng lại với sử thi. Mặc dù đại bộ phận người Tây Nguyên hiện nay hầu như không nhớ và không thuộc sử thi, tuy vậy họ vẫn không ngừng yêu mến và tự hào về gia tài văn hoá này. Họ rất khát khao được học về sử thi và mong muốn sử thi được đưa vào hệ thống giáo dục của Nhà nước, lên vô tuyến, lên sân khấu, dựng thành phim, dựng thành kịch, chuyển sang truyện tranh”. Với ý tưởng đưa sử thi trở lại sống động trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - chủ thể sáng tạo của sử thi, Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật kiến nghị: “Cần khuyến khích, động viên tạo mọi điều kiện để nhân dân hát kể sử thi trong chính môi trường sống và lao động của mình; từng bước đưa dần sử thi vào các lớp học chính quy và không chính quy ở địa bàn Tây Nguyên thông qua sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, các cấp và sự đầu tư của Nhà nước”.

GS-TS Tô Ngọc Thanh, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đưa ra ý kiến: “Hiện nay, khi cuộc sống của bà con đã thay đổi quá nhiều, không gian huyền thoại của sử thi mai một, thì phải làm sao để sử thi có cơ hội tiếp tục tồn tại?”. Trả lời chính câu hỏi của mình, ông nêu ra biện pháp: “Chúng ta nên tổ chức buổi hát kể như một cuộc trình diễn nghệ thuật định kỳ ở nhà Rông, nhà Dài hay thậm chí ở Nhà văn hóa cộng đồng mà người tham dự là tự nguyện. Nếu trước khi trình diễn có người hiểu biết đứng ra giải thích, giới thiệu một vài đặc trưng, một vài điều đáng lưu ý khi nghe sử thi”…

Nỗ lực bảo tồn sử thi Tây Nguyên là chặng đường dài, gập ghềnh. Tuy nhiên, với kết quả đạt được qua dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên” cùng những quyết tâm của các nhà khoa học, các nghệ nhân Tây Nguyên trong hội thảo cho chúng ta hy vọng sử thi Tây Nguyên sẽ bám rễ đâm chồi nảy lộc trong cuộc sống hàng ngày, trong nhà dài, nhà rông của các buôn làng, trong không gian văn hoá cồng chiêng, trong nghệ thuật diễn xướng đặc sắc của các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này…
QĐND