Tưng bừng Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên
Cập nhật: 15/03/2013
Từ ngày 11 -13/3 (tức ngày 30/1- 2/2 năm Quý Tỵ), huyện Quảng Uyên tổ chức Lễ hội Pháo hoa. Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.

Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân huyện Quảng Uyên gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời nhà Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối. Trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc), có bức chạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội.

Lễ hội Pháo hoa phục dựng truyền thống địa phương, tôn thờ Nùng Trí Cao một vị tướng Cao Bằng thế kỷ 11 đã đánh tan quân Tống, chấn giữ biên thùy; ông chọn huyện Quảng Uyên tổ chức mừng quân chiến thắng với tên gọi Hội Pháo hoa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cho nhân dân. Ngày 2/12/2003, miếu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.    

Phần lễ bao gồm: lễ khai quang (mở mắt rồng), lễ tế thần, lễ rước thần. Phần hội: Rồng đến chào các cơ quan địa phương và nhân dân thị trấn. Một phần không thể thiếu của lễ hội là trò tranh đầu pháo, đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt trang điểm tua ngũ sắc sặc sỡ, pháo được đặt trên một đài cao, sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các đội bắt đầu tranh, đội nào cầm được đầu pháo mang đến cho Ban Tổ chức là đội thắng cuộc. Mấy năm gần đây, sau khi có quy định cấm đốt pháo, Ban Tổ chức đã tiến hành trò chơi bằng cách đứng trên đài cao rồi tung vòng sắt (đầu pháo) ra cho các đội tranh như thường lệ. Người dân địa phương quan niệm: trong ngày hội, ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại vinh dự lớn cho xã mình. Ngoài ra, có các trò chơi dân gian: kéo co, đẩy gậy, cờ người.  

Lễ hội còn tổ chức thi hát dân ca giao duyên, trình diễn trang phục dân tộc; thi đấu thể thao: bóng đá, bóng rổ, cầu lông…, mang đậm bản sắc dân tộc.

Báo Cao Bằng