Giữ tiếng thoi đưa bên dòng Nậm Ngam - Điện Biên
Cập nhật: 06/03/2024
Giữa nhịp sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở nhiều địa phương đang dần mai một. Tuy nhiên, dưới nếp nhà của đồng bào dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên, những đôi tay khéo léo của các mẹ, các chị vẫn say mê gìn giữ, trao truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ sau.

Để tìm hiểu về sự độc đáo trong nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào, chúng tôi tìm đến xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là nơi có 5 dân tộc: Thái, Lào, Kinh, Mông và Khơ Mú cùng sinh sống. Trong 12 thôn, bản của xã Núa Ngam, người Lào định cư tập trung ở bản Na Sang 1 và Na Sang 2, bên dòng Nậm Ngam trong xanh, uốn lượn. Ở mỗi cụm dân cư, những ngôi nhà sàn nằm san sát, dưới gầm sàn hoặc chân cầu thang là các khung cửi dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Vừa nói về ý nghĩa vừa luôn tay hướng dẫn cách làm nên những loại hoa văn độc đáo cho cháu gái, bà Lường Thị Un, 63 tuổi, ở bản Na Sang 1 cho biết, người dân nơi đây lớn lên trong tiếng thoi đưa kẽo kẹt bên khung cửi. Người Lào lấy nghề dệt làm thước đo đánh giá về người phụ nữ, nên nhiều thế hệ phụ nữ dân tộc Lào đều giỏi nghề dệt. Cũng bởi thế mà ngay từ khi lên 10 tuổi, bà Un đã được mẹ dạy nghề dệt. Cầm trên tay tấm vải thổ cẩm mà cô cháu vừa hoàn thành, bà Un giảng giải thêm rằng, mỗi loại hoa văn là một câu chuyện thể hiện quan niệm sống, nhân sinh quan, thế giới quan của dân tộc Lào, là nét tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết như con công, voi, chim, hình tam giác, chùa tháp, chữ vạn... còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.

Bà Lường Thị Un hướng dẫn cháu gái dệt họa tiết thổ cẩm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào có từ rất lâu đời, được lưu truyền theo phương thức mẹ truyền nghề cho con gái. Để có được tấm vải hoàn hảo, đòi hỏi người dệt phải trải qua rất nhiều công đoạn hoàn toàn thủ công, từ trồng bông, tách hạt bông, bật bông, se sợi, quay sợi, đến nhuộm màu bằng chàm, vỏ, lá cây rừng... rồi sau đó mới đến công đoạn dệt. Khác với nhiều dân tộc vẽ hoa văn từ sáp ong hay thêu thùa, các họa tiết trên vải thổ cẩm của người Lào được dệt trực tiếp trong quá trình hình thành tấm vải. Một người mới học cho đến khi biết dệt cơ bản phải mất ít nhất 3 tháng, còn muốn dệt thành thục thì cần khoảng một năm. Vải thổ cẩm của đồng bào Lào tạo nên nhiều sản phẩm, như: Trang phục, vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn... có tính thẩm mỹ, chất lượng tốt.

Hiện nay, trong quá trình phát triển và hội nhập của nền kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm của người Lào cũng đứng trước thách thức không nhỏ do thị trường có nhiều sản phẩm thổ cẩm may công nghiệp với mẫu mã bắt mắt, đa dạng chất liệu và giá thành rẻ hơn đáng kể. Tuy nhiên, những người phụ nữ Lào vẫn đều tay đưa những con thoi dệt nên thước vải với hoa văn độc đáo. Họ coi nghề dệt là tình yêu, niềm tự hào dân tộc và cũng ý thức được trách nhiệm phải truyền dạy cho con cháu. Thật đáng mừng khi lớp trẻ hôm nay cũng ý thức được điều đó. Em Hoàng Yến Vy, cháu gái bà Un, bộc bạch: “Trang phục của dân tộc Lào rất đẹp. Người Lào thì phải mặc trang phục do đồng bào dân tộc mình dệt. Vì thế, chúng em đang cố gắng tiếp nối nghề dệt truyền thống này”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Đăng Nghị, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam cho biết: “Hiện nay, vải thổ cẩm của dân tộc Lào ở Núa Ngam đã được biết đến qua các phương tiện truyền thông, các cuộc triển lãm, trưng bày, hội chợ, lễ hội ở trong và ngoài tỉnh. Dẫu vậy, sản phẩm mới chủ yếu được bày bán phục vụ khách du lịch ở các cửa hàng quà tặng, lưu niệm trong tỉnh và Hà Nội. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nghề dệt thổ cẩm của người Lào thành sản phẩm OCOP để dần hình thành thương hiệu rộng khắp, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Có thể nói, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên nói chung và ở xã Núa Ngam nói riêng không chỉ là sự nỗ lực của các nghệ nhân mà còn cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành địa phương... Qua đó góp phần bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa của nghề, đồng thời tạo thu nhập cho bà con, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Hiếu Trường

Báo Quân đội nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 06/3/2024