Đà Nẵng: 124 năm bức tường thành Điện Hải
Cập nhật: 04/08/2021
Năm 1897, Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer viết những dòng chữ khá u buồn về khung cảnh Đà Nẵng, khi giữa thành phố là tòa thành đổ nát, rêu phong. Hiện nay, bức tường thành đổ nát của thành Điện Hải đang được thành phố Đà Nẵng tu bổ, phục hồi và tôn tạo, riêng giai đoạn 2 kinh phí lên đến 84 tỷ đồng. Đây là đồn lũy Biên phòng được xây dựng từ năm 1813.

Khẩu súng thần công tại thành Điện Hải. Ảnh: Văn Chương

Khởi đầu câu chuyện về thành Điện Hải bằng 2 bối cảnh cách nhau 124 năm. Đặt 2 bối cảnh này sát nhau để thấy được một thành cổ đổ nát, một phế tích bị rêu phong theo thời gian. Nhưng may mắn là thành Điện Hải đến nay vẫn còn lưu lại được một ít hình hài và đang được phục dựng, tôn tạo. Thành quách thời xưa thường nằm biệt lập vì là nơi chiến địa. Còn thành Điện Hải hiện nay nằm sát Trung tâm hành chính của thành phố Đà Nẵng, trở thành điểm tham quan của du khách thập phương. Vì là nơi lui tới của nhiều du khách, vì vậy, nhiều câu hỏi về thành Điện Hải vẫn đang được tranh luận.

Thời nhà Nguyễn, các tàu buôn phương Tây chỉ được phép cập vào cảng Đà Nẵng chứ không được vào các cảng biển ở vùng phía Nam. Quy định kiểu bóp nghẹt đó vô tình góp phần tạo nên hình hài phát triển cho vùng đất này. Tuy nhiên, sau trận liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công, nã pháo, tràn vào Đà Nẵng từ ngày 31-8-1858, thành phố có nhiều công trình phòng ngự ở sát nách kinh thành trở thành đống đổ nát, trong đó có thành Điện Hải.

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha có vũ khí hiện đại nên ban đầu giành thế áp đảo trước quân triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên, khí hậu, muỗi mòng, dịch bệnh đã biến nơi đây thành nghĩa trang của những tên lính xâm lược và giờ đây vẫn còn in trên những tấm bia ở nghĩa trang Y Pha Nho (ở trước cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng). Những ngôi mộ nằm giữa rừng cỏ. Nhà nghiên cứu Lê Duy Anh cho biết: “Khu vực này có tới 55 ngôi mộ, nằm trải cả ra đường. Trên những tấm bia này còn khắc tên viên tướng Pháp Charles Rigault de Genuilly”.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, năm 1897, trên đường từ kinh thành Huế, vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng, khi chứng kiến thành quách đổ nát, viên Toàn quyền này đã mô tả một bức tranh thê lương: “Năm 1897, Đà Nẵng hiện ra thật nghèo nàn với một hiện thực đáng buồn. Có ba hoặc bốn tòa nhà công, khoảng 12 ngôi nhà phong cách châu Âu... Thành phố buồn, không đường, không cây, không vườn, không bến sông. Chí có những cây keo và một vài bức tường sập đổ”.

Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được triều đình nhà Nguyễn xây dựng vào năm 1813 (Gia Long thứ 12). Kết cấu tường thành được xây bằng gạch nung. Đến năm 1835 (Minh Mạng thứ 15), đồn được đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành cao, hào sâu kiên cố, nhưng khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng thì thành quách phòng thủ theo phương pháp phòng ngự với cung tên, mũi lao đã không thể trụ vững trước vũ khí hiện đại.

Trong báo cáo hội thảo về thành Điện Hải, nhà nghiên cứu Hà Phước Mai viết: “Đây là mảnh đất linh thiêng. Những tháng ngày đầu chống trả các đợt tấn công của quân Pháp, ở mặt trận này có ít nhất 5.000 tướng sĩ, gồm 3.000 quân của Tổng đốc Nam Ngãi Trần Hoằng và 2.000 quân chi viện của Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý, con số còn tăng thêm ở các năm tiếp theo. Riêng thành Điện Hải sau khi hứng chịu 3 đợt tấn công của quân địch, hàng nghìn nghĩa sĩ đã hy sinh tại đây”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Duy Anh, quê ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng kể lại hình ảnh Đà Nẵng giai đoạn 1960 rồi đọc câu thơ buồn vào thời đó: “Đứng bên kia sông ngó qua bên ni nước xanh như tàu lá/ Đứng bên ni sông ngó của bên tê thấy phố xá mênh mông”. Thời Pháp thuộc, khu vực thành Điện Hải bắt đầu dần lên phố xá, còn khu vực ở bên kia sông Hàn thì được ví von là “gái quận 3 bằng bà già quận 1”. Có nghĩa là phía thành phố có bức tường thành đổ nát đã bắt đầu hồi sinh chậm chạp, nhưng ở phía có khu nghĩa trang Y Pha Nho thì vẫn đìu hiu, thê lương.

Tôi đến thăm lại bức tường thành Điện Hải vào đầu năm 2021, khi thành phố Đà Nẵng đang oằn mình bởi đại dịch Covid-19 và khách du lịch đã vắng bóng, nên có thời gian đứng lâu hơn và ngắm nhìn bức tường thành rêu phong đang được tu sửa. Những khẩu pháo thần công được đúc rất dày, nên trăm năm trôi qua vẫn sừng sững chĩa lên bầu trời, như bóng dáng những người lính oai hùng đã ngã xuống và chỉ còn tạc lại dáng tượng trong lòng người.

Ngày nay, Đà Nẵng trở thành trung tâm đô thị hiện đại của miền Trung, những dấu tích xưa thấp thoáng giữa khung cảnh hiện đại đã giúp lưu lại dấu ấn lịch sử của một thời biến động.

Lê Văn Chương

Báo Biên Phòng