Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc: Các Sở Du lịch khu vực phía Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh
Cập nhật: 04/12/2020
(TITC) – Sáng ngày 4/12, tại thành phố Nha Trang đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng Cụm thi đua các Sở Du lịch phía Nam. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc dự và phát biểu chỉ đạo.  
 
 
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Thực hiện Quyết định số 183/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL về việc phê duyệt “Nội dung phong trào thi đua năm 2020” của ngành VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trong Cụm (bao gồm TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Kiên Giang) đã tích cực hưởng ứng, chủ động bám sát những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để đề ra các chỉ tiêu, nội dung thi đua cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của từng đơn vị, phát huy được tinh thần thi đua của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành du lịch.
 
Để phong trào thi đua được duy trì thường xuyên, các đơn vị trong Cụm thi đua đã tổ chức nhiều đợt phát động thi đua nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (01/5), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9… đến các phòng, ban, đơn vị doanh nghiệp ở địa phương mình để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu phát triển du lịch do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh/thành phố giao trong năm 2020.
 
Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ, của các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017 và các văn bản hướng dẫn triển khai. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; thúc đẩy các hoạt động du lịch liên vùng; du lịch cộng đồng; liên kết xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch ở các địa phương; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ...
 
 
Nhìn chung, công tác thi đua - khen thưởng của các Sở Du lịch khu vực phía Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua tại các đơn vị trong Cụm thi đua của các Sở Du lịch khu vực phía Nam được triển khai dưới nhiều hình thức, đa dạng và phong phú, nội dung thi đua sáng tạo, được duy trì đều đặn, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác. Nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, biểu dương kịp thời, góp phần tạo cho phong trào thi đua khen thưởng phát triển sâu rộng.
 
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch của các thành viên trong Cụm thi đua không ngừng được tăng cường. Công tác liên kết hợp tác giữa các thành viên trong Cụm ngày càng được gắn kết. Việc kết nối đường bộ, đường biển, đường hàng không đến các vùng du lịch trọng điểm của các tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt phục vụ cho khách du lịch.
 
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tác động nặng nề đến ngành du lịch của các thành viên Cụm thi đua, làm sụt giảm mạnh lượng khách và các chỉ tiêu du lịch. Theo báo cáo, đối với Khánh Hòa, tổng lượt khách tham quan ước đạt 4.682 nghìn lượt, giảm 73,4 so với cùng kỳ 2019, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.509 tỷ đồng, giảm 78,2%. Khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10,8 triệu lượt, giảm 40,1%; tổng thu từ khách du lịch trong năm đạt 11.929 tỷ đồng, giảm 27,96%. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ở Đà Nẵng ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 62,6%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, giảm 40,7%. Lượng khách quốc tế đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 1.303.750 lượt khách, giảm 81,3%. Tổng doanh thu ngành du lịch (nhà hàng, lưu trú, lữ hành,…) 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 66.144 tỷ đồng, giảm 45,4%...
 
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong phong trào thi đua của Cụm thi đua các Sở Du lịch phía Nam. Các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi, đa dạng, phong phú, hiệu quả với sức lan tỏa lớn, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao ở từng đơn vị.
 
Trong bối cảnh ngành du lịch nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19, các Sở Du lịch phía Nam là những đơn vị tiên phong hưởng ứng tích cực Chương trình kích cầu du lịch nội địa do Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL phát động với phương thức tiếp cận, sáng tạo mới và các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn về giá cả, dịch vụ..., hình thành các liên minh kích cầu phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; Liên minh kích cầu du lịch giữa 07 địa phương do Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trì; Liên minh kích cầu du lịch và Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa 03 tỉnh Nghệ An - Hải Phòng - Bình Định; kết nối doanh nghiệp kích cầu Khánh Hòa - Hà Nội…
 
 
Phó Tổng cục trưởng đề nghị Cụm thi đua các Sở Du lịch khu vực phía Nam cùng tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm tay nhau cùng ngành du lịch cả nước phục hồi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do Covid-19 gây ra, tập trung vào một số giải pháp:
 
Thứ nhất: truyền tải mạnh mẽ thông điệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn nhằm mang lại niềm tin, sự thoải mái cho nhân dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo cho du khách môi trường du lịch an ninh, an toàn, vệ sinh.
 
Thứ hai: cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa. Tập trung phát triển, làm mới các sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường.
 
Thứ ba: tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị cần tập trung hình thành cơ sở dữ liệu du lịch liên thông có thể chia sẻ giữa Trung ương và địa phương (lữ hành, khách sạn, điểm đến, sản phẩm du lịch…). Tổ chức triển khai số hóa điểm đến trên cơ sở ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn viên du lịch ảo. Bên cạnh đó, các địa phương có thể tăng cường các tiện ích hỗ trợ khách du lịch như phát triển mạng di động ảo hỗ trợ khách du lịch vào Việt Nam được dùng với các gói cước dữ liệu giá rẻ; sử dụng tổng đài 1039 để hỗ trợ khách du lịch.
 
Phó Tổng trưởng cũng cho biết, vừa qua Tổng cục Du lịch đã ký kết tăng cường phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, trong đó có nội dung tiếp nhận ý kiến phản ánh của du khách thông qua nền tảng số. Qua đó, hai cơ quan quản lý nhà nước có thể phối hợp tiếp nhận và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
 
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, vai trò của các Sở Du lịch là rất quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch ở địa phương. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương cùng tham gia vào quá trình này, hướng đến mục tiêu chung hình thành một hệ sinh thái về du lịch thông minh ở Việt Nam.
 
Thực hiện: Văn phòng TCDL, Trung tâm Thông tin du lịch