Thừa Thiên – Huế: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới năm 2018
Cập nhật: 24/04/2018
(TITC) - Trong hai ngày 28 và 29/4/2018, tại thị trấn A Lưới và các xã Hồng Hạ, Hồng Kim (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế) sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ hai nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương.  

 

Phụ nữ Tà Ôi dệt zèng (nguồn ảnh: internet)

 

Một trong những hoạt động đặc sắc sẽ được tổ chức tại ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần này là trình diễn nghề dệt zèng và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới diễn ra ở Quảng trường huyện A Lưới (thị trấn A Lưới). Dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời, được trao truyền qua nhiều thế hệ của người dân tộc Tà Ôi. Những sản phẩm từ tấm zèng là trang phục và lễ vật không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội quan trọng của đồng bào địa phương. Để tạo nên một tấm zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị kỹ càng về nguyên liệu (bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc) thì chính sự nhẹ nhàng, uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm của người phụ nữ là yếu tố quyết định tạo nên những hệ hoa văn độc đáo. Mỗi sản phẩm dệt zèng vừa là vật dụng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt thiết yếu vừa là tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa của tộc người Tà Ôi. Với tinh hoa và nét độc đáo riêng biệt, nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1 năm 2017.

 

Bên cạnh đó, tục đi Sim (Pộc Xu) và phiên chợ vùng cao của các dân tộc vùng cao A Lưới cũng sẽ được tái hiện tại suối Pâr le (xã Hồng Hạ). Đi Sim là một tập tục có từ lâu đời, thể hiện khát vọng tự do yêu đương của các chàng trai, cô gái người dân tộc. Đến đây, họ trao cho nhau những câu hát giao duyên đầy trữ tình với những cung bậc cảm xúc yêu thương, nồng thắm. Cũng theo Ban Tổ chức, phiên chợ vùng cao lần đầu tiên được tổ chức tại địa phương sẽ là dịp để đồng bào giới thiệu các mặt hàng như rau rừng, măng rừng, mật ong, tiêu rừng, cá suối khô…; đồng thời là cơ hội tìm kiếm đầu ra cho các nông sản, đặc sản tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong khuôn khổ ngày hội còn có trình diễn tắm suối và tái hiện hoạt động sinh hoạt dưới nước của đồng bào Pa Cô tại thác A Nôr (xã Hồng Kim). Tắm suối là nét văn hóa gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung và đồng bào dân tộc Pa Cô nói riêng. Cho đến nay, tắm suối, các trò chơi dân gian dưới nước và cách thức tắm, gội đầu truyền thống bằng các loại thảo dược thiên nhiên vẫn được đồng bào nơi đây gìn giữ, lưu truyền.

Ngoài các hoạt động nổi bật trên, nhiều hoạt động khác cũng sẽ được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra ngày hội như: trình diễn và trưng bày các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống; trưng bày điêu khắc gỗ dân gian truyền thống; triển lãm, trưng bày, giới thiệu ảnh nghệ thuật về con người và tiềm năng du lịch A Lưới; tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống; gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa, du lịch; liên hoan nghệ thuật quần chúng; liên hoan ẩm thực truyền thống…

Đến A Lưới tham dự ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số, du khách còn có dịp tham quan một số điểm đến được coi là “địa chỉ đỏ” như: đồi Thịt Băm, hầm A Roàng…

Lam Phương