Lễ hội “Quảng Nam - Hành trình di sản” lần thứ IV: Hứa hẹn nhiều điều ấn tượng và khác biệt
Cập nhật: 28/05/2009
Với hơn 30 chương trình lễ hội, hoạt động nghệ thuật, văn hóa truyền thống tại 3 địa điểm chính: Tp. Hội An, huyện Điện Bàn và huyện Duy Xuyên, “Quảng Nam - Hành trình di sản” lần thứ IV hứa hẹn nhiều điều ấn tượng và khác biệt.

Không gian không sân khấu


Khu đền tháp Mỹ Sơn trong dịp lễ hội này đã được chọn làm điểm mở đầu với chủ đề “Ấn tượng một chặng đường”. Đây được xem là sự kiện đánh dấu sự vươn lên không ngừng, thể hiện được vị thế của di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn so với một phố cổ Hội An vốn hội tụ đầy đủ các điều kiện cho sự mở đầu và kết thúc lễ hội. Một không gian “không sân khấu” ngay từ đầu đã tạo nên sự khác biệt so với các kỳ lễ hội trước. Du khách sẽ được chìm đắm trong không gian huyền ảo giữa những ngôi đền tháp thâm nghiêm, sẽ được dìu dắt cùng tiếng kèn Saranai, nắm chặt tay nhau trong tình bè bạn… Tất cả đều được thể hiện một cách chuyên nghiệp của dàn diễn viên thuộc Công ty TNHH Ngôi Sao Mới - Đơn vị đảm trách hoạt động biểu diễn trong đêm khai mạc tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của hơn 100 diễn viên quần chúng của huyện Duy Xuyên, điển hình là xã Duy Tân với màn Rước nước trong Lễ hội Bà Thu Bồn thể hiện được một tinh thần lễ hội mang tính cộng đồng cao. Ông Trịnh Sơn Hải - Trưởng phòng VHTT huyện Duy Xuyên cho biết: “Năm nay Khu đền tháp Mỹ Sơn được chọn làm nơi khai mạc lễ hội, đó thực sự là niềm vinh dự của Duy Xuyên nhưng đồng thời cũng đặt ra cho chúng tôi nhiều việc phải làm. Một không gian “không sân khấu” là điểm mới trong chương trình khai mạc lần này, nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để không gian ấy nổi bật và đẹp khi lên hình (Chương trình được tường thuật trực tiếp trên VTV1).

Ngoài chương trình khai mạc, tại Duy Xuyên sẽ diễn ra các hoạt động như: Triển lãm ảnh “Duy Xuyên trên đường phát triển” và “Một số nét tương đồng Di sản Văn hóa thế giới Watphou - Mỹ Sơn”. Việc huy động ảnh và thiết kế không gian triển lãm cũng được gấp rút hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Điểm kết nối

Không hoành tráng và phong phú như Hội An, Mỹ Sơn. Chỉ với 2 sự kiện lớn: “Hội chợ làng nghề truyền thống” và “Xe cổ với Hành trình di sản Quảng Nam” lần thứ 2 nhưng chính quyền huyện Điện Bàn cũng đã huy động lực lượng lớn để cố gắng thể hiện được vai trò điểm kết nối quan trọng trong Lễ hội lần này. Từ làng đúc Phước Kiều đến các con đường, dự kiến đoàn xe cổ đi qua đến nay đều được dọn dẹp sạch sẽ, quang đãng. Một không khí vùng quê yên ả sẽ là ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Hội chợ làng nghề truyền thống sẽ là cơ hội để Điện Bàn thể hiện được một vùng đất nổi tiếng của trăm nghề với sự tham gia của hơn 40 gian hàng đến từ các làng nghề truyền thống như: Đất nung Lê Đức Hạ, Đồng Phước Kiều, Gỗ Âu Lạc… và hơn 15 gian hàng trưng bày sản phẩm đến từ Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ông Nguyễn Đình An - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn - Trưởng ban chỉ đạo của huyện cho biết: “Ngay từ những ngày đầu tháng 4, công tác tuyên truyền trực quan đã được Phòng VHTT huyện thực hiện triệt để. Tính đến nay, mọi công việc cơ bản đã hoàn tất, chỉ chờ ngày chào đón lễ hội. Đây là cơ hội để Điện Bàn chứng tỏ được mình là một điểm kết nối quan trọng trong hành trình Hội An - Mỹ Sơn và ngược lại”.

Khát vọng Thu Bồn

Hơn 16 hoạt động văn hoá nghệ thuật trong khu phố cổ, Hội An được xem là nơi hấp dẫn và thu hút sự chú ý của nhiều người nhất trong dịp này. Đến thời điểm này, việc thi công tại các tuyến đường trong phố cổ cũng đang được tiến hành khẩn trương với tiêu chí đặt ra sẽ có được một mặt bằng tốt hơn phục vụ cho du khách trong suốt Lễ hội. Hơn 4 triển lãm tranh ảnh về đề tài Hội An đã cho thấy được sức hút không nhỏ của đô thị cổ này đối với những người đã từng đến và ở nơi đây. Việc tham dự của các nhà nhiếp ảnh, họa sĩ đến từ 64 tỉnh thành của cả nước đã nói lên điều đó. Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm văn hoá thể thao Hội An cho biết: “Hội An đã trải qua 3 lần lễ hội, khai mạc và bế mạc đều đã từng được diễn ra ở đây nên chúng tôi không ngại điều gì cả. Tuy nhiên, việc thay đổi địa điểm lễ bế mạc từ Gò Hí thành Quảng trường Sông Hoài là một điều đáng tiếc nằm ngoài dự kiến nhưng chúng ta phải chấp nhận. Nếu chương trình diễn ra ở Gò Hí, chủ đề Khát vọng Thu Bồn sẽ được thể hiện hay và độc đáo hơn bao giờ hết. Mọi việc chuẩn bị từ khâu thiết kế sân khấu đến kịch bản đến nay đã coi như ổn, chỉ đợi ngày trình diễn”. Những hoạt động như Hội thi “Người phục vụ bàn khéo léo”, Trình diễn “Xe cổ với Hành trình di sản Quảng Nam” lần thứ 2 cũng đã được các doanh nghiệp tham gia và hưởng ứng rất nhiệt tình. Ông Nguyễn Thành Sang - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trưởng ban tổ chức sự kiện “Xe cổ với Hành trình di sản” lần thứ 2 cho biết: “Tính đến nay, chúng tôi đã nhận được sự phúc đáp và hưởng ứng hết mình từ hơn 200 cá nhân, tập thể yêu xe cổ trên khắp mọi miền đất nước để về tham dự sự kiện này. Đó không chỉ là cơ hội để những người yêu xe cổ thể hiện mình mà còn thể hiện được sự phong phú và mới lạ về văn hóa trong một lễ hội mang đầy tính giao lưu văn hoá như “Quảng Nam - Hành trình di sản” lần thứ IV. Sự chuyên nghiệp và tinh thần chuẩn bị cho lễ hội còn được thể hiện rõ hơn khi các doanh nghiệp, khách sạn cho lưu trú phòng tại Hội An đã lên kế hoạch cụ thể cũng như các chương trình khuyến mãi, giảm giá phòng cho những du khách; các công ty lữ hành cũng thực hiện chiến lược quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ…

Tất cả đang chờ đón một lễ hội ấn tượng, hoành tráng, đậm chất nghệ thuật, rất hiện đại và chuyên nghiệp.
Báo Quảng Nam