Giới thiệu nét đặc sắc của kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam
Cập nhật: 13/02/2009
Trung tuần tháng 2/2009, nhận lời mời của Bộ Văn hóa và Hiệp hội biểu diễn nghệ thuật dân tộc Nhật Bản, Ðoàn nghệ thuật dân gian Việt Nam do Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với các chuyên gia văn hóa Nhật Bản tuyển chọn lên đường đi Tokyo dự Liên hoan quốc tế nghệ thuật dân gian châu Á.

Ðoàn gồm NSND Bùi Ðắc Sừ, các NSƯT Nguyễn Thế Phiệt, Trần Thị Quyền (Vân Quyền), Phạm Thị Duy do GS Hoàng Chương làm trưởng đoàn. Liên hoan thu hút sự tham gia của các nước châu Á nhằm giữ gìn và phát huy vốn nghệ thuật dân gian của mỗi quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Liên hoan còn có sự góp mặt của một số nước ở các châu lục khác có mối quan tâm về lĩnh vực này.

Ðoàn nghệ thuật dân gian Việt Nam dự buổi khai mạc liên hoan tại Tokyo sau đó sẽ biểu diễn tại Ô-xa-ca, và tham gia cuộc hội thảo khoa học về nghệ thuật dân gian châu Á. Các thành viên của đoàn đều là những nghệ sĩ xuất sắc dày công rèn luyện, tu dưỡng trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam rất phong phú và đa dạng đã trở thành tinh hoa văn hóa dân tộc. Chương trình biểu diễn của đoàn tập trung vào các bộ môn: chèo, quan họ và hát xẩm. Chèo là tinh hoa ca múa nhạc dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ thể hiện bản sắc rất đặc trưng của dân tộc, của nền văn minh lúa nước. Các chiếu chèo của vùng nông thôn xưa vẫn có sức sống trong cuộc sống hiện đại. NSƯT Vân Quyền và nghệ sĩ Thùy Dung trình bày trích đoạn Thị Mầu lên chùa trong vở chèo kinh điển Quan Âm Thị Kính, Vân Quyền thông qua vai Thị Mầu đã thể hiện sức sống mãnh liệt và khát vọng của con người vượt qua các rào cản, trở ngại để sống thật với mình. Nhân vật Thị Mầu từ bao đời vẫn được nhắc đến trong dân gian vì chứa đựng chất nhân văn trong đó. NSƯT Vân Quyền cùng với tốp hát nữ còn trình bày tiết mục Ba giá hát chầu văn rất sôi động trong các điệu nhạc rộn rã. Hát văn còn gọi là chầu văn hay hát bóng là loại hình ca hát cổ truyền của Việt Nam gắn với tín ngưỡng có những nét rất độc đáo.

Tốp hát nam nữ quan họ đưa lên sân khấu diện mạo của một bộ môn nghệ thuật có sức lan tỏa mạnh ở vùng Kinh Bắc. Trong kho tàng dân ca Việt Nam, quan họ đã đạt tới đỉnh cao về chất văn chương của lời ca, về nghệ thuật ca hát về lối chơi diễn xướng. Bắc Ninh có tới 49 làng quan họ tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ðến nay, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được gần 400 làn điệu và gần một nghìn lời ca. UNESCO đã chính thức tiếp nhận Bộ hồ sơ của Việt Nam đề nghị công nhận Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại để xét duyệt trong năm 2009. Các nghệ sĩ trong đoàn trình bày tiết mục quan họ Mời trầu vừa thể hiện sự duyên dáng, tinh tế vừa tỏ rõ lòng mến khách của người Việt chúng ta. Với bài hát Mười nhớ, các nghệ sĩ đã phô diễn được sự sâu lắng, tình cảm chan chứa với sức quyến rũ của các điệu hát.

Xẩm là bộ môn nghệ thuật dân gian rất độc đáo của Việt Nam. Người hát xẩm đến các nơi tập trung đông người như ngày hội, bến xe, bến tàu... vừa kéo nhị vừa hát giãi bày tâm sự của mình với mọi người. Tiếng đàn và tiếng hát hòa quyện với nhau đi vào lòng người. Nghệ sĩ hát xẩm Mai Thị Tuyết Hoa còn rất trẻ được nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu 88 tuổi ở Ninh Bình truyền dạy nghề. Trong chuyến đi này, Tuyết Hoa trình bày các bài hát giàu chất trữ tình thể hiện lòng biết ơn các bậc sinh thành, tình yêu quê hương: Công cha nghĩa mẹ sinh thành, Trăng sáng vườn chè. Nét độc đáo của hát xẩm chính là nghệ sĩ vừa đàn vừa hát với một phong cách thoải mái, phóng khoáng, mang tính dân dã.

Ðoàn nghệ thuật dân gian Việt Nam đã tập hợp được những nghệ sĩ xuất sắc, thể hiện được cái hồn, tinh túy của từng bộ môn nghệ thuật dân tộc. Chắc chắn chuyến đi đầu năm này của đoàn sẽ gây được ấn tượng trong cuộc liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế tại Nhật Bản.
Báo Nhân Dân