Đền Trần (Nam Định): Sẵn sàng Lễ khai ấn
Cập nhật: 04/03/2015
Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng Giêng âm lịch, hàng vạn du khách lại nô nức về đền Trần trẩy hội để chiêm bái một phong tục đẹp, truyền thống của triều Trần. Một lễ hội được người dân gìn giữ từ nhiều đời như mạch nguồn của sức mạnh tinh thần yêu nước, yêu quê hương.


Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, điểm mới mùa lễ Khai ấn 2015.

Lễ khai ấn 2015 có nhiều điểm mới

Theo Ban tổ chức, thời gian tổ chức lễ hội từ ngày 11- 16 tháng Giêng (tức từ ngày 1/3 đến ngày 6/3. Trong đó, ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 1/3/2015) diễn ra lễ rước kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh (chùa Tháp) sang đền Trần và thực hiện nghi lễ tại đền Thiên Trường. Đây là nét mới trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Mùi 2015. Ngày 12 âm lịch (tức ngày 2/3) tổ chức nghi lễ rước Nước, tế Cá.

Điểm mới của mùa lễ hội Khai ấn năm nay là phục dựng thêm lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Đây là nghi lễ đã có từ xa xưa, bị thất truyền. Việc phục dựng nằm trong nội dung, lộ trình thực hiện Đề án phục dựng các nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Đền Trần đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phê duyệt. Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần, theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tỉnh Nam Định triển khai nghiên cứu khôi phục một số nghi thức truyền thống trong Lễ Khai ấn để bảo đảm tính nguyên vẹn của lễ hội. Và trong các ngày từ 11-16 tháng Giêng tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân - sư - rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ, võ, vật bên ngoài cổng ngũ môn Đền Trần.

Năm nay, lượng ấn năm nay sẽ được chuẩn bị nhiều hơn năm ngoái đảm bảo phục vụ du khách về chiêm bái mùa lễ hội và thời gian phát ấn cho du khách sẽ được bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng cho đến khi hết ấn.

Đảm bảo an toàn mùa lễ hội

Để chuẩn bị cho Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Ất Mùi, Ban tổ chức đã thành lập các tiểu ban (an ninh, tuyên truyền, nghi lễ, hậu cần); phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các tiểu ban triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông. Huy động các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ trong thời gian trước, trong và sau Lễ Khai ấn.

Ngoài việc phục dựng các nghi lễ thất truyền, Ban tổ chức còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh trật tự, dẹp bỏ những hình ảnh xấu, phản cảm trong lễ hội, không để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoạt- Trưởng BQL khu di tích Đền Trần- Chùa Tháp, lực lượng an ninh dự kiến sẽ được huy động trên 2.000 người với hàng chục vòng chốt bảo vệ. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng sẽ bố trí lực lượng phòng cháy, chữa cháy hùng hậu, cùng với các lều y tế và xe cứu thương túc trực. Ngoài ra, việc ngăn chặn chen lấn, xô đẩy, ném tiền vào kiệu, cướp lộc như những năm trước đã được Ban tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách thập phương thông qua hệ thống phát thanh trong đền…

Báo Công thương