Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Cập nhật: 07/12/2012
Lúc 12h09’ (giờ Pari) tức 18h09’ (giờ Việt Nam) ngày 6-12, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam là một trong 35 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu chọn là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại UNESCO. Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá rất cao của Hội đồng chuyên gia, những người thẩm định hồ sơ và đưa ra các kiến nghị có tính chất quyết định đối với UNESCO trong việc có công nhận hay không một di sản văn hóa phi vật thể.

Do hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam được xem xét cuối cùng theo thứ tự bảng chữ cái nên tin vui đến với đoàn Việt Nam chậm hơn dự kiến ban đầu, vào trưa 6-12 thay vì tối 5-12 (giờ Pari). Tuy nhiên, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam nhận được sự đồng thuận rất cao, không gặp bất cứ phản biện hay phản đối nào và ngay lập tức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đoàn đại biểu Việt Nam có mặt đông đủ trong phòng họp tại trụ sở UNESCO đón nhận tin vui này, gồm đoàn đại biểu của tỉnh Phú Thọ; đoàn đại biểu Viện văn hóa và nghệ thuật Việt Nam; đoàn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cùng các cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO. Như vậy, với tin vui này, Việt Nam hiện nay có tổng cộng 14 di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Dương Văn Quảng đánh giá: “Với việc đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UNESCO không chỉ muốn vinh danh đời sống tâm linh của người Việt mà còn muốn khuyến khích các dân tộc khác, qua tấm gương của Việt Nam, thực hiện việc thờ cúng tổ tiên mình”.

Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Cao Phong bày tỏ niềm vui và tự hào: “Việc thế giới công nhận Di sản này đánh giá cao tính nhân văn của các dân tộc ở Việt Nam là tục lệ thờ cúng tổ tiên. Và một điểm nữa là tín ngưỡng này thể hiện tính đoàn kết của các cộng đồng”.

Trong tiêu chí phân loại của UNESCO theo Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, một di sản có tính tiêu biểu tức di sản đó có thể là đại diện văn hóa cho không chỉ quốc gia mà còn cả trong khu vực và UNESCO khuyến khích các quốc gia khác học hỏi từ di sản được vinh danh. Vì thế, việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là một sự kiện có tầm vóc với văn hóa Việt Nam mà còn có tác động đến các nỗ lực bảo tồn di sản khác trong khu vực.

Trong ý kiến phát biểu tại trụ sở UNESCO ở Pari, ông Hoàng Dân Mạc - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá và tâm linh bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển… Trước mắt, tỉnh Phú Thọ phải tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng năm 2013 và về lâu dài, sẽ xây dựng một chương trình hành động báo cáo Chính phủ thông qua với một số nội dung chính, trong đó tuyên truyền quảng bá tín ngưỡng với bạn bè quốc tế; kiểm kê đánh giá các di tích đền thờ Vua Hùng để có kế hoạch trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự; rà soát lại trình tự thủ tục nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước; báo cáo Chính phủ để trùng tu di tích Đền Hùng để gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bởi di sản phi vật thể không thể tách rời di sản vật thể. Việc công nhận chỉ là bước đầu, chặng đường tiếp theo còn dài với nhiều việc phải làm để phát huy và thúc đẩy các giá trị của di sản; bảo tồn một cách đúng khoa học để di sản còn tồn tại mãi với những giá trị nguyên gốc của nó.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng cam kết với Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 rằng: Việt Nam sẽ làm hết sức mình thực hiện nghiêm túc Công ước 2003 và tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy giá trị di sản này để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc, xứng đáng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và tính đoàn kết dân tộc; đồng thời khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Những giá trị tiêu biểu đó giúp hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ vượt qua vòng xét duyệt khó khăn, trở thành 1 trong 17 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện mới của thế giới.

Trước đó, năm 2011, hát Xoan của Phú Thọ cũng đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, khác với hát Xoan được cho là cần có những biện pháp bảo vệ cấp bách, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” được đánh giá cao về tính đại diện, bền lâu bởi tín ngưỡng này đã được người dân Việt Nam thực hành, bảo vệ và trân trọng từ ngàn đời nay, thể hiện rõ nhất qua ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào tháng 3 âm lịch.

Báo Phú Thọ