Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch
Cập nhật: 07/12/2012
Hiện nay, trình độ tay nghề của nguồn nhân lực ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo dự báo từ nay đến năm 2020, ngành du lịch tỉnh cần từ 12.000-15.000 lao động đã qua đào tạo để phục vụ hàng trăm dự án du lịch sẽ đi vào hoạt động. Nguy cơ thiếu lao động ngành du lịch đang cận kề.

Tín hiệu vui

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt (TP. Hồ Chí Minh), hàng năm Lửa Việt tổ chức nhiều tour đưa khách về Bà Rịa - Vũng Tàu du lịch, nghỉ dưỡng. Sau chuyến du lịch, hầu hết khách hàng đều bày tỏ sự hài lòng về chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… của đội ngũ nhân viên tại các cơ sở lưu trú. Còn ông John Shigley, Tổng Giám đốc MGM Grand Hồ Tràm Beach (thuộc dự án Hotram strip, huyện Xuyên Mộc) chia sẻ, để chuẩn bị khai trương giai đoạn 1, MGM Grand Hồ Tràm Beach phải tuyển dụng khoảng 2.200 lao động. Ban đầu MGM Grand Hồ Tràm Beach cũng lo khó có thể tuyển đủ số lượng lao động lớn như thế. Nhưng thật bất ngờ, sau 4 tháng thông báo tuyển dụng, công ty đã nhận được hơn 13.500 hồ sơ xin việc. “Phần lớn người dự tuyển có tuổi đời rất trẻ, trong đó có nhiều du học sinh, họ được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, giao tiếp ngoại ngữ tốt, đặc biệt họ thể hiện được bản lĩnh và sự tự tin trước nhà tuyển dụng. Tất nhiên sau khi tuyển dụng, MGM Grand Hồ Tràm Beach còn phải huấn luyện thêm kỹ năng, nghiệp vụ thực tế cho từng vị trí công việc nhưng những yếu tố trên là nền tảng để họ tiếp cận công việc nhanh hơn”, ông John Shigley nhận xét.

Để có được đội ngũ nhân lực dồi dào và ngày càng chuyên nghiệp cho ngành du lịch như hiện nay, không chỉ ngành du lịch tỉnh mà bản thân các doanh nghiệp du lịch cũng chủ động đào đạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, tay nghề thường xuyên cho người lao động. Từ năm 2004, Sở Du lịch (nay là Sở VHTTDL Bà Rịa-Vũng Tàu) đã xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và kỹ thuật nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên ngành du lịch. Sau đó, tùy thuộc nhu cầu và xu hướng chung của thị trường, mỗi năm, Sở VHTTDL tỉnh đều phối hợp với trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, Ban quản lý các khu du lịch địa phương, các hội nghề nghiệp… tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch tại các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy của trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu cũng được điều chỉnh theo hướng sát hơn với thực tế và tăng cường ngoại ngữ để sinh viên có đủ kỹ năng làm việc khi ra trường.

Các doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn tỉnh như: OSC Việt Nam, Vungtau Tourist, Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn-Bình Châu… cũng thường xuyên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các chương trình cụ thể như: Áp dụng hệ thống quản lý ISO và tiêu chuẩn VTOS trong quản lý và phục vụ khách; đào tạo mới, đào tạo lại, tổ chức các cuộc thi tay nghề, cử nhân viên tham gia các cuộc thi tay nghề trong nước…

Nhìn chung, lực lượng lao động của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá cao về chuyên môn, tay nghề và tính chuyên nghiệp so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng có một thực tế phải thừa nhận là trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Hiện nay, tiếng Anh vẫn là ngoại ngữ phổ biến, trong khi khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng đa dạng. Ông Phan Xuân Anh, đại diện Công ty Du ngoạn Việt, đơn vị đón tàu khách tại hệ thống cảng biển huyện Tân Thành cho biết, khách Nga, Đức, Ý rất ít sử dụng tiếng Anh nên khi họ có nhu cầu tham quan Bà Rịa-Vũng Tàu, công ty phải thuê hướng dẫn viên từ TP. Hồ Chí Minh. “Hướng dẫn viên ở nơi khác đến chắc chắn sẽ không am hiểu lịch sử, văn hóa, tiềm năng nhân văn địa phương bằng người bản xứ, cho nên không thể truyền tải cảm hứng đến du khách. Chưa kể, trình độ ngoại ngữ hạn chế khiến du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu không khai thác hết được nguồn lợi từ khách nước ngoài”…

Mặt khác, nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm do học những ngành nghề đã thừa lao động như lễ tân, kế toán, quản trị kinh doanh, marketing, thư ký, nhân viên văn phòng, trong khi doanh nghiệp lại thiếu nhân sự ở các bộ phận bếp, buồng, phục vụ bàn, chăm sóc khuôn viên sân vườn, phụ trách an ninh...

Để chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn này, UBND tỉnh đã giao ngành du lịch điều tra, phân loại trình độ lao động, lập kế hoạch đào tạo và dự báo nhu cầu lao động trong tương lai để có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời. Vì vậy, để tránh tình trạng thiếu lao động cho ngành du lịch, các cấp, ngành được giao nhiệm vụ cũng như các doanh nghiệp du lịch cần có chiến lược bền vững về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng ngày càng nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm đón đầu các dự án đầu tư du lịch và hạn chế sự dịch chuyển lao động trong ngành.

Báo Bà Rịa – Vũng Tàu