Phát triển Côn Đảo thành trung tâm đô thị di sản - du lịch
Cập nhật: 18/05/2012
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông qua đề án Quy hoạch tổng thể phát triển Côn Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đặt ra trong vòng từ 10 đến 20 năm tới, Côn Đảo sẽ trở thành đô thị di sản - du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Phát triển hài hòa

Ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, việc ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hoá lịch sử và các loại hình dịch vụ giải trí hiện đại khác phải song hành với việc xây dựng Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, không tách rời với sự phát triển của cả vùng phía nam Tổ quốc, trên khắp cả nước và thế giới. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Côn Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, Côn Đảo sẽ được đầu tư, xây dựng và phát triển với khoảng không gian bao trùm toàn bộ phần nổi và vùng biển xung quanh. 4 khu vực: trung tâm Côn Sơn, bến Đầm, Cỏ Ống và ở các đảo khác sẽ hình thành những khu đô thị gắn với những điểm dân cư hợp lý. Trong đó, thị trấn Côn Sơn sẽ trở thành trung tâm đô thị di sản - du lịch của huyện với các chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ.

Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, phương án quy hoạch Côn Đảo đã đánh giá đồng bộ, tổng hợp các giá trị lịch sử, nghệ thuật quy hoạch đô thị, cảnh quan và kiến trúc. Đồng thời đề án sẽ là căn cứ khi lập bản đồ khoanh vùng của tỉnh, tu bổ và phục hồi các di tích kiến trúc quan trọng; xây dựng bia giới thiệu các sự kiện lịch sử diễn ra trên đất Côn Đảo; tổ chức khu đón tiếp; quản lý và trưng bày; tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch thanh niên trên toàn tuyến Côn Đảo và vùng phụ cận; qua đó tạo dựng môi trường văn hoá truyền thống lành mạnh, có tính giáo dục cao; khai thác một cách hợp lý, tối đa tài nguyên di sản văn hoá - lịch sử Côn Đảo…

Để đạt được mục tiêu của đề án, huyện Côn Đảo xây dựng nhiều giải pháp nhằm đón đầu cơ hội như: nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất khi đầu tư vào Côn Đảo; các dự án đầu tư vào Côn Đảo được miễn thuế nhập khẩu và được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0% đối với các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài ra, nhà đầu tư vào Côn Đảo còn được hưởng một ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư khác.

Côn Đảo ngày nay đã thay da đổi thịt

Nhắc đến Côn Đảo, người ta nghĩ ngay tới vùng đất linh thiêng với bề dày lịch sử 113 năm (1862-1975) là “địa ngục trần gian”. Theo lời ông Phan Hoàng Oanh, một trong 8 cựu tù Côn Đảo ở lại nơi đây kể lại, sau ngày giải phóng, ngoài tháp canh, nhà tù, trại lính, Côn Đảo hầu như không có một cơ sở kinh tế nào. Hôm nay, bên cạnh sự phát triển không ngừng của huyện đảo, những dấu ấn lịch sử vẫn được người dân Côn Đảo gìn giữ vẹn nguyên và trở thành di sản của Côn Đảo nói riêng và Việt Nam nói chung. Những công trình, kiến trúc cổ vẫn còn đó như một minh chứng cho một thời kỳ đấu tranh gian khổ của các chiến sĩ cách mạng. Gắn với mỗi công trình, kiến trúc là biết bao xương, máu của tù nhân Côn Đảo. Cầu tàu 914 là nơi có ít nhất 914 người, trong đó có nhiều chiến sỹ cách mạng đã ngã xuống trong quá trình xây dựng. Địa danh Ma Thiên Lãnh là nơi có ít nhất 356 người tù đã bỏ mạng bởi phải lao dịch khổ sai. Banh 1 (tức trại Phú Hải), Banh 2 (tức trại Phú Sơn), Banh 3 (tức trại Phú Thọ)… là nơi hàng vạn chiến sĩ cách mạng yêu nước bị giam cầm, tra tấn. Dấu ấn lịch sử đâu chỉ ở hệ thống nhà tù, dinh chúa đảo hay nhà công quán, giờ đây, đến Côn Đảo, du khách còn dễ dàng cảm nhận dấu ấn của một thị trấn di sản với những nét rêu phong, cổ xưa trên từng ngôi nhà, từng con phố nằm yên bình dưới những tán cây cổ thụ trên đường Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nguyễn An Ninh...

Đến Côn Đảo ngày nay, ngoài việc thăm viếng những di tích lịch sử, khám phá phố cổ Côn Sơn, du khách còn có thể đi thuyền ra thăm các hòn đảo nhỏ để được khám phá và đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú. Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú tại Côn Đảo ngày càng tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng. Côn Đảo đã có các khách sạn, resort từ đạt chuẩn tối thiểu đến 5 sao và nhiều dự án khách sạn, resort cao cấp khác đang hoặc sắp được xây dựng. Trong số các khách sạn, resort đã đi vào hoạt động tại Côn Đảo có thể kể đến resort Six Senses - nơi gia đình cặp diễn viên nổi tiếng thế giới Brad Pitt và Angelina Jolie chọn làm nơi nghỉ dưỡng vào cuối năm 2011.

Ông Trần Văn Thông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận xét, các yếu tố: cảnh quan thiên nhiên, chất lượng bãi biển tương đối nguyên sơ cùng với khu di tích nhà tù độc đáo sẽ là động lực để thu hút du khách đến Côn Đảo trong tương lai. Trong đó, Côn Đảo cần tập trung khai thác tiềm năng lớn nhất là di tích nhà tù, nghĩa trang Hàng Dương và những di tích lịch sử khác. Đây chính là những điểm nhấn để biến Côn Đảo thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm về cả vật chất lẫn tinh thần.
Báo Bà Rịa-Vũng Tàu