Đến với Ẩm thực Thái Nguyên
Cập nhật: 12/07/2007
Là một tỉnh trung du miền núi nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với 9 dân tộc anh em chung sống từ rất lâu đời. Thái Nguyên có dân số 1,1 triệu người, người Kinh chiếm 75,5%. Tày 10,7%, Nùng 5,1%, Sán Dìu 2,4%, Dao 2,1%, còn lại là Cao Lan, Mông, Hoa, Ngái (4,2%).

Do sống xen kẽ nên có sự giao lưu văn hoá giữa các dân tộc anh em. Trong đó, văn hoá Ẩm thực thể hiện đậm nét những yếu tố văn hoá tộc người, mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp miền núi.

Mùa xuân về, nắng ấm, cây cối tốt tươi là lúc diễn ra các lễ hội trong niềm mong đợi của mọi người dân vùng Việt Bắc. Đến với lễ hội là du khách được đến với những quan niệm về sự linh thiêng của mỗi một tộc người và thú vị hơn du khách còn được chiêm ngưỡng và thưởng thức nhiều món ăn ngon miệng và lạ mắt mà người dân địa phương đời đời dày công gìn giữ để dâng tặng lên đấng toàn năng mỗi dịp xuân về. Đó là bánh khảo, bánh dày, bánh lẳng, bánh chưng, cơm lam, xôi ngũ sắc. Mùi thịt lợn sữa quay thơm ngon với những phụ gia hái trên rừng như lá mác mật, lá ổi, chanh, xả tạo nên mùi vị đặc trưng khó quên cho món ăn ngày hội.

Mỗi dân tộc lại có những món ăn và cách chế biến riêng. Ngày Tết, chúng ta vẫn quen với chiếc bánh chưng hình vuông. Nhưng người Tày lại gói những chiếc bánh dài độc đáo. Bánh được gói bằng lá dong hoặc chít, gói theo dạng hình trụ, quấn bằng lạt giang. Thái Nguyên có đặc sản bánh chưng Bờ Đậu được nhiều người biết đến, bánh được gói bằng thứ nếp ngon của vùng Định Hoá, khi chín bánh rền và có màu xanh của lá. Bí quyết làm bánh ngon được người dân vùng này giữ kín và lưu truyền trong gia đình từ đời này qua đời khác… Bánh tro của người Kinh thường gói dài, còn người Dao lại gói theo hình phễu, đầu to đuôi nhọn…

Đặc biệt hơn cả là món xôi ngũ sắc. Lên với ATK Định Hoá, món xôi ngũ sắc sẽ gợi cho du khách nhiều tò mò bởi màu sắc độc đáo. Những hạt xôi dẻo thơm được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng vùng Định Hoá. Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn, 5 màu chính của xôi là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Món này ăn với Khâu Nhục thì thật tuyệt vời.

Một sản vật khác của người dân tộc Việt Bắc cũng có nguồn gốc từ gạo đó là cơm lam. Cơm lam là món ăn ngon miệng, dễ chế biến khi đi rừng, làm nương. Có thể nấu tại chỗ bằng ống nứa tươi chặt ở trên rừng. Người ta chọn gạo nếp ngon đem ngâm nước cho mềm, vớt ra để ráo rồi đổ vào ống nứa tươi, bịt miệng ống bằng là chuối. Sau đó nướng trên bếp lửa hoặc trên than củi hồng. Khi nào nhìn thấy vỏ ngoài của ống nứa đã héo quắt thì coi như cơm chín, đem ra để nguội rồi bóc ăn. Cơm lam chấm với muối vừng rất ngon, dẻo lại thơm.

Đến Thái Nguyên, mỗi mùa lại có món ăn đặc trưng riêng. Có thời gian rẽ vào các chợ huyện du khách có thể mua rất nhiều sản vật của địa phương như: gà đồi, rau rừng, củ quả, bánh trái. Mùa xuân có rất nhiều măng: măng đắng, măng vầu, tre, nứa,… Măng tươi mua về xào tỏi rất ngon, luộc chấm muối vừng hay thái ra làm món măng ớt chua ăn dần trong nhiều tháng. Mùa hè có nhiều củ, quả, đặc biệt là rau rừng: rau bò khai, rau ngót rừng, rau rớn. Mùa thu có trám rừng quả đen, quả trắng. Người dân tộc hái những quả chín đem về "om". Trám đen nấu xôi cũng ngon và lạ miệng. Khi tiết trời se lạnh, bên nồi canh gà gừng ănvới cơm nấu bằng gào Bao Thái Định Hoá ngon nổi tiếng và uống rượu nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thì thật khó quên. Một số món ăn ngon chế biến từ sản vật rừng như: trám đen kho thịt, trám trắng kho cá, măng nhường nhồi thịt, nộm bí chuối rừng,…

Bên cạnh đồ ăn thì thức uống là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực. Thái Nguyên được biết đến với những đồi chè xanh và vùng chè ngon nổi tiếng. Người Thái Nguyên có thói quen uống nước chè tươi hoặc chè khô đã qua sao tẩm. Ngoài ra còn rất nhiều loại lá cây rừng được hái về đun nước uống hay chè như lá vối, lá ổi, nhân trần…

Rượu được chế biết từ nhiều loại lương thực khác nhau như: gạo, ngô, sắn. Ngon nhất là được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng vùng Định Hoá. Người Tày còn nấu rượu cất từ bột cây báng, cây đao. Các loại rượu rắng cất nấu đem ngâm với đặc sản lấy từ thực vật để tạo ra nhiều loại rượu khác nhau có tác dụng bổ dưỡng cơ thể.

Người Tày có kinh nghiệm cắt thuốc nam và hái lá cây rừng làm nước uống bổ dưỡng. Các loại cây như nước sắc cây tầm gửi, cây nghiến có tác dụng khoẻ gân cốt, cây hà thủ ô rừng bổ máu, chữa bạc tóc sớm; quả trám trắng chữa ho,; phật thủ chữa đầy hơi khó tiêu; quả mác mật giúp hạ sốt,…

Ẩm thực Thái Nguyên, bên cạnh việc gìn giữ những khẩu vị ưa thích và truyền thống của các món ăn phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, lại có xu thế biến đổi và hội nhập thêm các món ăn mới, cách chế biến mới. Chính điều này đã tạo cho văn hoá ẩm thực ngày càng phong phú và hấp dẫn. Mời bạn hãy về với Thái Nguyên để thưởng thức và mang những món quà của núi rừng Việt Bắc về cho những người thân yêu…

"Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
"

thainguyentrade.com.vn