Phát triển kinh tế đảo Việt Nam
Cập nhật: 06/05/2010
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020.

Mục tiêu Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 nhằm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển Việt Nam, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản... để kinh tế đảo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14 – 15%/năm thời kỳ 2010 – 2020, trong đó du lịch - dịch vụ tăng trên 20%/năm...

             Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Về định hướng phát triển cơ sở hạ tầng đến năm 2020 đối với các đảo trọng điểm về du lịch như: Côn Đảo, Phú Quốc... xây dựng cảng hành khách hiện đại có thể tiếp nhận tàu lớn, phát triển nhanh các phương tiện vận tải chất lượng cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng hàng không quốc tế Dương Tơ tại Phú Quốc, sớm triển khai xây dựng cảng hàng không Vân Đồn; phát triển hiện đại hệ thống đường nội thị ở trung tâm các đảo lớn có ưu thế về du lịch như Vân Đồn, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc...; ưu tiên xây dựng mạng lưới cấp điện đồng bộ cho trung tâm đảo và các khu du lịch, hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng thông tin truyền thông.

         Một góc đảo Quan Lạn (Quảng Ninh)

Phát triển du lịch được coi là hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế đảo những năm sắp tới. Tại một số đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc sẽ được tập trung xây dựng thành trung tâm du lịch, vui chơi giải trí lớn và hiện đại có giá trị quốc gia và quốc tế. Trong đó, ưu tiên phát triển nhanh du lịch ở Vân Đồn (hạt nhân của Vòng cung kinh tế ở vùng biển Đông Bắc) và Phú Quốc (điểm nhấn của tam giác kinh tế phía Nam) để sớm hình thành 2 khu du lịch sinh thái biển đảo lớn tạo sự bứt phá cho du lịch biển đảo; tiếp tục nâng cấp, hiện đại hóa các khu du lịch Cát Bà, Côn Đảo, phát triển du lịch ở một số đảo khác như: Vĩnh Thực, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Hòn Mê, Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Xuân Đài, một số đảo ven biển miền trung, bán đảo Hà Tiên; nghiên cứu tổ chức các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế ra đảo Trường Sa, đồng thời xây dựng khu bảo tồn biển để từng bước khai thác tiềm năng còn rất lớn của quần đảo này.

Phấn đấu đến năm 2020, du lịch vùng đảo thu hút khoảng 2,7 – 2,8 triệu lượt khách, trong đó có 700 – 850 ngàn lượt khách quốc tế, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2011 – 2020 khoảng 12,5%/năm, khách quốc tế tăng 18,6%/năm.

Nhu cầu cho nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế đảo Việt Nam sơ bộ ước tính khoảng 162,5 ngàn tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách chiếm gần 60%, ngoài ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, nguồn vốn FDI được khuyến khích đầu tư vào các dự án lớn như sân bay Vân Đồn, khu du lịch Phú Quốc, sân golf Phú Quốc...
Báo Du lịch