Quảng Nam cho thấy hiệu quả từ mô hình làng du lịch cộng đồng
Cập nhật: 30/07/2013
(TITC) - Xu hướng hiện nay, khách du lịch thường chọn những điểm đến không bị ô nhiễm môi trường, có sự gắn kết với sinh thái tự nhiên. Do đó, du lịch bền vững đã được du khách quan tâm và tạo nên trào lưu du lịch mới.

Quảng Nam là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch nằm trong nhóm phạm trù du lịch bền vững như: du lịch sinh thái, trách nhiệm, làng quê...

Bên cạnh vùng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và bất động sản ven biển, Quảng Nam cũng hướng sự quan tâm đến các loại hình du lịch làng quê, sinh thái, homestay, thủ công mỹ nghệ mang những bản sắc riêng biệt và độc đáo.


Du khách đến với dịch vụ homestay Mỹ Sơn

Trong thời gian qua, phát triển theo hướng du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái đang đem lại cho Quảng Nam những hiệu quả rõ rệt trong cải thiện đời sống tại các làng, bản miền núi. Dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu” do Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) phối hợp với UBND huyện Nam Giang tổ chức tại xã Ta Bhing không giống như các dự án du lịch cộng đồng đã được triển khai trước đây, dự án tập trung vào mục tiêu chính là phát huy tính chủ động của cộng đồng với việc kết nối nhiều thành phần tham gia. Dù mới triển khai thử nghiệm hơn một năm (từ 5/2012 đến 6/2013) nhưng đã có 20 đoàn với số lượng 260 khách chủ yếu là khách châu Âu và Nhật Bản đến tham quan; tổng thu nhập của địa phương từ hoạt động du lịch này đạt hơn 93 triệu đồng.

Việc thành lập tổ hợp tác cùng tương trợ đã đem lại hiệu quả tích cực cho mô hình du lịch homestay Mỹ Sơn (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Các hộ làm du lịch trong làng tham gia tổ hợp tác dựa trên tinh thần tự nguyện. Trước đây, khách du lịch đến Mỹ Sơn chỉ trong thời gian ngắn rồi về Hội An hoặc Đà Nẵng, không có gì trải nghiệm ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn. Khi mô hình tổ hợp tác ra đời đã tạo điều kiện để du khách lưu trú tại làng du lịch cộng đồng, cùng dân trong làng nấu ăn, thưởng thức những món ăn truyền thống Quảng Nam, giao lưu với người dân địa phương để tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, qua đó giúp người dân địa phương có thêm thu nhập, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản.


Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng ngày khai trương

Nằm trong khuôn khổ của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5, ngày 23/6/2013, Sở VHTTDL Quảng Nam đưa làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn) và làng Đhơ Rồng (xã Ta Lu), huyện Đông Giang vào khai thác du lịch theo mô hình homestay. Cộng đồng dân tộc nơi đây với nụ cười thân thiện, mến khách cùng các sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng… đã trở thành yếu tố thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

Kế tiếp những thành công trong việc phát triển du lịch ở các làng bản, cộng đồng dân tộc, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Làng du lịch sinh thái Đại Bình tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, cách thành phố Hội An 20 km. Làng Đại Bình sẽ là khu du lịch sinh thái kết hợp tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống làng quê với quy mô 130 ha. Dự án này nhằm phát huy thế mạnh để khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu bản sắc làng quê Việt, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Đồng thời, dự án gắn với quá trình bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển du lịch bền vững,  gắn kết các khu vực du lịch văn hóa – lịch sử Hội An, Duy Xuyên... Tổng mức kinh phí cho lập quy hoạch là hơn 1,7 tỷ đồng.

Việc hình thành các làng du lịch tại miền núi của Quảng Nam là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm giúp các địa phương phát huy tiềm năng du lịch, tạo việc làm và thu nhập cho cư dân, phát triển kinh tế.

Hương Lê