Vĩnh Phúc tập trung phát triển du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái
Cập nhật: 03/04/2013
Nằm ở khu vực cửa ngõ Thủ đô với nhiều tiềm năng, lợi thế, tuyến, điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước, những năm qua, để đẩy mạnh sự phát triển du lịch, Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương chính sách được ban hành nhằm thu hút đầu tư tạo ra những điểm nhấn đột phá, những sản phẩm đặc trưng thu hút du khách.

Vĩnh Phúc là một miền địa linh, với những giá trị lịch sử, văn hóa đậm nét. Sau 16 năm tái lập, nay Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Theo thống kê của Sở VHTTDL, Vĩnh Phúc có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Vĩnh Phúc có nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang dấu ấn giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, di chỉ Đồng Đậu... Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội Mậu Lâm (Vĩnh Yên) nổi tiếng với trò múa Mo, chọi trâu ở Hải Lựu (Lập Thạch), lễ hội Tây Thiên... Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, Vĩnh Phúc đã khôi phục, phát triển và khai thác các sản phẩm nghề thủ công truyền thống độc đáo như: mộc Bích Chu (Vĩnh Tường), rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường), nuôi rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), đục đá Hải Lựu (Lập Thạch)... Các làng nghề đều nằm gần các tuyến du lịch trọng điểm nên thuận lợi cho khách đến tham quan. Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn được biết đến với nhiều loại hình nghệ thuật như hát xoan, hát chèo, hát trống quân, hát soọng cô, đặc biệt là ca trù, hát văn và hát xẩm.

Đến nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc đã hình thành các khu du lịch tầm cỡ: Du lịch lễ hội - tín ngưỡng có Khu Di tích danh thắng Tây Thiên; các khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, Đại Lải; Khu Du lịch sinh thái sông Hồng Thủ đô - Bắc Đầm Vạc và các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch lễ hội - tín ngưỡng; du lịch sinh thái; du lịch hội nghị hội thảo; du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch thể thao; du lịch vui chơi giải trí. Một số lễ hội đã thực hiện tốt công tác xã hội hoá, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và đầu tư mở rộng, nâng cấp về quy mô tổ chức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Lễ hội Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), Lễ hội chọi Trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô), Lễ hội đền Ngô Tướng Công (thị xã Phúc Yên), Lễ hội đền Thính (xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc)… Công tác kiểm tra, hướng dẫn, quản lý các lễ hội được tăng cường, đảm bảo an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong lễ hội. Đặc biệt, trong năm qua, tỉnh đã khởi công xây dựng và đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo những công trình văn hóa trọng điểm như Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, Khu Di tích danh thắng Tây Thiên...

Cơ sở hạ tầng, đường giao thông đến các điểm du lịch hiện đang ưu tiên để đầu tư; phát triển các dịch vụ du lịch mới có chất lượng cao, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và bổ sung, điều chỉnh các chính sách và cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trọn gói vào các khu du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp trên địa bàn tỉnh. Công tác quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp để ngành du lịch Vĩnh Phúc thu hút khách. Trong đó, nhanh chóng có giải pháp tận dụng tối ưu công nghệ thông tin để quảng bá và xúc tiến du lịch trên mạng internet, phối hợp các doanh nghiệp xây dựng một trang web du lịch Vĩnh Phúc để giới thiệu điểm đến.

Việc tổ chức thành công sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Vĩnh Phúc, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 đã thu hút hàng trăm nghìn du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, tạo hiệu ứng quảng bá thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc với cả nước và khách quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm phát triển du lịch gắn với công tác bảo vệ môi trường, tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho du khách khi đến tham quan, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế đặc thù cho phát triển du lịch tại khu vực Tây Thiên, Tam Ðảo, Ðại Lải, Ðầm Vạc... sẽ là những tiền đề quan trọng để du lịch Vĩnh Phúc phát triển. Những năm qua, khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh và ổn định, bình quân mỗi năm tăng 14%. Khai thác tối đa thế mạnh tài nguyên và các điều kiện đầu tư ưu đãi, xây dựng các sản phẩm và loại hình du lịch phong phú sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc; chắc chắn trong tương lai không xa, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái của vùng và cả nước.

Báo Văn hóa