Sắp diễn ra trưng bày “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn”
Cập nhật: 11/03/2016
Ngày 31/3 tới, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bảo vật Hoàng cung - Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945)". 

Triển lãm giới thiệu 21 quyển kim sách tiêu biểu, được lựa chọn kỹ lưỡng và 10 kim bảo liên quan, nhằm tạo cơ hội giúp công chúng tiếp cận, thưởng lãm và tìm hiểu về sưu tập hiện vật đặc biệt này cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mang đậm dấu ấn của Vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Nguồn tư liệu thành văn xuất hiện ở Việt Nam khá sớm với sự có mặt của các loại thư tịch cổ trên nhiều chất liệu khác nhau như: viết và in trên giấy, vải, da thú, tre, nứa, đất nung, gốm sứ; khắc trên kim loại, bia đá, chuông, khánh đồng; viết hoặc khắc trên mai rùa, xương thú, gỗ... Một trong những nguồn thư tịch cổ quý đó chính là những quyển sách được làm bằng kim loại vàng, bạc và đồng. Đặc biệt, thư tịch cổ của nhà Nguyễn có nhiều chất liệu và loại hình phong phú nhất so với các triều đại phong kiến khác trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Đó là các loại kim sách (sách bằng vàng), ngân sách (sách bằng bạc), đồng sách (sách bằng đồng), thể sách (sách bằng lụa), chỉ sách (sách bằng giấy)... 

Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện. Kim sách làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng 5 móng hoặc hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Đáng chú ý, nhiều quyển kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện. Cuốn Kim sách đầu triều được vua Gia Long cho làm phong tặng phụ thân mình vào năm Bính dần 1806.

Tuy nhiên, việc sử dụng kim sách đã được Triều Nguyễn sửa đổi qui tắc đôi chút. Thời Gia Long, đánh dấu khởi đầu việc dùng kim sách truy tặng các bậc tiên đế. Năm 1836, Đại nam hội điển sử lệ cho biết rõ vua Minh mạng đã xuống dụ đặt 9 bậc cung giai và sắc phong: một kim sách cho quý phi gồm 6 trang (cả bìa) đóng bằng 4 khuyên vàng, khổ 5 tấc một phân (27cm) x 3 tấc năm phân (14,8cm), dày 2 ly. Bìa sách chạm trổ trang trí phượng hoàng. Sáu phi tần kế tiếp được nhận ngân sách mạ vàng gồm 5 trang khổ 5 tấc một phân x 3 tấc hai phân, dày 1 ly. Dưới các bậc này, chỉ được sách ban thể sách (sách lụa). Giữa thế kỷ 19, Vua Tự Đức cho thu hồi một số kim - ngân sách đúc thành thỏi để chi tiêu và cho làm sách đồng thay thế. 5 cuốn sách đồng loại này, nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.   

CINET