Lợi thế của những “cái bắt tay”
Cập nhật: 26/01/2015
Mô hình liên kết du lịch của 3 địa phương: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam thời gian qua không chỉ giúp khai thác thế mạnh mà còn góp phần cải thiện môi trường và tăng khả năng cạnh tranh của ngành. Điều đó cho thấy, muốn phát triển du lịch bền vững, các địa phương không thể “mạnh ai nấy làm”.

Tăng khả năng cạnh tranh

Thừa Thiên - Huế nằm ở Bắc Trung bộ, Đà Nẵng và Quảng Nam nằm ở Nam Trung bộ, thế nên, lãnh đạo ngành du lịch 3 địa phương này cho rằng, sự liên kết là móc xích quan trọng để phát triển vùng du lịch trọng điểm miền Trung. Sau gần 10 năm “bắt tay” cùng phát triển, 3 tỉnh, thành đã tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn du khách. Trong đó phải kể đến tour “Con đường di sản miền Trung” dành cho những người ưa khám phá, tìm hiểu về văn hóa; “Thiên đường biển đảo” dành cho những khách yêu biển; tour kết hợp “Thiên đường biển đảo và di sản thế giới”; và những sản phẩm chung về làng nghề thủ công, bảo tàng nghệ thuật, lễ hội truyền thống. Tất cả nhằm giúp du khách hưởng thụ được tất cả các giá trị về vật thể và văn hóa tinh thần của khu vực.


Du khách tham quan phố cổ Hội An

Hơn thế, 3 địa phương còn tăng cường quản lý, có sự phân công rõ ràng trong việc tổ chức các lễ hội lớn như: Pháo hoa (Đà Nẵng), Festival Huế, Di sản (Quảng Nam); đồng thời, cùng tham gia tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của từng địa phương. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng thừa nhận: “Nhờ phối hợp chặt chẽ, khách du lịch đến 3 địa phương có sự tương tác khá thuận lợi và ngày càng tăng trưởng. Nếu như trước đây, khách đi lại giữa 3 tỉnh, thành chỉ chiếm khoảng 15%, thì từ khi liên kết, con số này đạt trên 30%. Riêng Thừa Thiên - Huế, năm 2014 đạt khoảng 3,2 triệu lượt khách, trong đó 45% là khách quốc tế. Đó là vì cả 3 địa phương cùng chú trọng về phát triển du lịch chất lượng hơn du lịch số đông”.

Không thể mạnh ai nấy làm

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, liên kết là móc xích quan trọng để phát triển du lịch. Bởi lẽ, nếu không có sự bắt tay, các địa phương sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Việc giới thiệu, dẫn khách đến những khu di sản, các sản phẩm du lịch bị hạn chế do sự chia cắt về giao thông; những doanh nghiệp đầu tư nổi tiếng trên địa bàn chưa nhiều, tính chuyên nghiệp hạn chế hơn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; kinh phí tổ chức các hoạt động du lịch bị hạn chế… Vì thế, ông Bình khẳng định: “Muốn du lịch phát triển bền vững, không thể mạnh ai nấy làm mà phải có sự bắt tay chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp. Tới đây, nếu nguồn lực cho phép, chúng tôi sẽ mở rộng kết nối với vùng di sản Quảng Bình, Thanh Hóa (theo chiều dọc khu vực miền Trung)”.

Hiện, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có thị trường chung là khách trong nước, thị trường nước ngoài có: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu. Để thu hút khách ở những thị trường trọng điểm này, trong sự phát triển chung, cả 3 địa phương đã cam kết có một chiến lược thông tin, những đầu tư về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất. “Từ đó, chúng tôi thấy rằng, cần thiết phải có một Ban quản lý để điều phối chung. Đây là bộ phận tác nghiệp những vấn đề về kỹ thuật về du lịch cho cả 3 tỉnh, thành. Đồng thời, tạo ra nội dung truyền thông vừa có tính thống nhất của vùng, vừa có những đặc trưng của từng địa phương để phục vụ hoạt động quảng bá, xúc tiến. Bởi lẽ, mỗi năm tập trung quảng bá cho một điểm đến, một sản phẩm của một địa phương thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn là đầu tư dàn trải. Nếu có sự tuần tự như vậy, tôi tin du lịch miền Trung sẽ phát triển bền vững” - ông Dũng cho hay. Tuy nhiên, theo ông Bình, đây mới chỉ là ý tưởng, mong muốn của 3 địa phương. Để thành lập được Ban quản lý điều phối chung này cần có sự đồng ý, hỗ trợ của Tổng cục Du lịch và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Người làm du lịch trong nước đang nhìn nhận mô hình liên kết của Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam như một “mẫu” để nhân rộng phát triển du lịch miền Bắc và miền Nam. Người ta tin rằng, những “cái bắt tay” này sẽ làm du lịch Việt tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Kinh tế và Đô thị