Hà Giang xây dựng cao nguyên đá thành khu du lịch quốc gia
Cập nhật: 04/10/2013
Tổng cục Du lịch vừa tổ chức đoàn khảo sát tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và làm việc với UBND tỉnh Hà Giang để bàn về việc hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Hà Giang.
Trong đó có kế hoạch xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang, xây dựng quy hoạch và phát triển công viên địa chất thành khu du lịch quốc gia, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nhằm hướng đến việc chuẩn bị cho việc tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC CNĐĐV) vào năm 2014.


Thời gian qua, Hà Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh và giá trị của CVĐCTC CNĐĐV. Hiện nay, tỉnh đang tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC; trang bị những kiến thức cho người dân, học sinh về việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản địa chất, địa mạo, di sản văn hóa và đa dạng sinh học; làm tốt công tác quản lý khai thác đá, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, quản lý di sản gắn với xây dựng nông thôn mới... trên địa bàn CVĐCTC. Tỉnh cũng quan tâm tới việc giới thiệu các nội dung, tài liệu và hình ảnh về các giá trị di sản trên CVĐCTC; trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia quản lý, bảo vệ di sản; các ứng xử văn hóa và trách nhiệm của cộng đồng khi khách du lịch đến tham quan.

Gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 1/10/2010, bao gồm địa giới hành chính của 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với diện tích hơn 2.356km², là nơi chứa đựng nổi bật các loại hình di sản địa chất, di sản văn hoá và đa dạng sinh học, CVĐCTC CNĐĐV được cho là nơi có tiềm năng cực kỳ tốt để phát triển du lịch. Đây lại là địa bàn sinh sống của 17 dân tộc, nền văn hóa truyền thống các dân tộc vô cùng đa dạng, các di tích lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội.

Đặc trưng tiêu biểu của người dân bản địa là kỹ năng sống thích ứng và hòa đồng với thiên nhiên trong lao động sản xuất cũng như trong các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa xã hội của cộng đồng. Việc canh tác theo phương thức thổ canh hốc đá - một phát kiến đặc biệt và phổ biến nhất ở đồng bào các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá độc đáo tới mức hiếm nơi nào trên thế giới có được.

Theo Ban Quản lý CVĐCTC CNĐĐV: “Sản phẩm du lịch CVĐC là một sản phẩm du lịch rất mới mẻ ở đây. Hà Giang cũng là điểm du lịch mới, hoang sơ, chưa ảnh hưởng nhiều từ các mặt tiêu cực của sự phát triển du lịch, có khả năng kết nối với các điểm du lịch khác như: Mộc Châu, Điện Biên, Sa Pa… tạo thành một tuyến du lịch vòng cung Đông - Tây Bắc đặc sắc của các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.

CVĐC cũng đang dần kết nối với các vùng du lịch khác trong nước, đặc biệt là kết nối với các điểm du lịch biển tạo ra sức hấp dẫn về tính độc đáo của các sản phẩm du lịch đối với du khách. Năm 2012 đã có 400.000 lượt khách du lịch tới Hà Giang (tăng 25% so với năm 2011), điều này cũng cho thấy, CVĐCTC CNĐĐV ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách trong nước và quốc tế”.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang ngày 29/9, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: “Việc phát triển du lịch Hà Giang mà trọng tâm là ở CVĐCTC CNĐĐV phải hết sức cẩn trọng, không thể nóng vội nếu không sẽ phải trả giá rất đắt khi đánh mất đi những quà tặng vô giá của thiên nhiên và vĩnh viễn không lấy lại được”.

Chính vì vậy, TCDL sẽ làm việc cụ thể với Hà Giang và các đơn vị liên quan để giúp tỉnh chọn ra những gì đặc sắc nhất, phù hợp nhất, xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể du lịch của tỉnh và của công viên địa chất một cách bền vững và hiệu quả.

Quan trọng nhất là bảo tồn tốt các khu di sản địa chất, quản lý chặt chẽ các điểm khai thác vật liệu xây dựng trên vùng công viên; xây dựng các làng văn hóa du lịch, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tính nguyên bản của kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào vùng công viên địa chất toàn cầu và đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá về CVĐCTC CNĐĐV tại các hội chợ, sự kiện du lịch ở trong và ngoài nước…”.

 

Báo Văn hóa