Hội thảo phát triển bộ công cụ nghiệp vụ Lễ tân, Nhà hàng và Chế biến món ăn
Cập nhật: 20/09/2013
(TITC) - Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển ASEAN – Úc (giai đoạn II), ngày 19/9/2013, Tổng cục Du lịch Việt Nam và Học viện William Angliss của Úc đã phối hợp tổ chức Hội thảo phát triển bộ công cụ nghiệp vụ Lễ tân, Nhà hàng và Chế biến món ăn. 
Tham dự hội thảo có ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL), nhóm chuyên gia của Học viện William Angliss, đại diện Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), một số khách sạn, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở đào tạo và dạy nghề du lịch.


Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhóm chuyên gia của Học viện William Angliss giới thiệu 98 bộ công cụ cho 3 nghiệp vụ du lịch trên. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ của Chính phủ Úc nhằm xây dựng tiêu chuẩn nghề chung ASEAN cho 6 nghiệp vụ: Lễ tân, buồng, chế biến món ăn, nhà hàng, đại lý lữ hành và điều hành tour.

Các đại biểu đánh giá cao các chất lượng các bộ công cụ do nhóm chuyên gia Học viện William Angliss xây dựng, cho rằng các bộ công cụ đã cung cấp những chỉ dẫn rất cụ thể và chuẩn mực cho người được đào tạo, các đào tạo viên và các thẩm định viên. Điều này rất cần thiết và hữu ích cho ngành Du lịch Việt Nam, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể về bộ công cụ đặt trong bối cảnh áp dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.

Theo kế hoạch, các chuyên gia Học viện William Angliss sẽ xây dựng 242 bộ công cụ cho 6 nghiệp vụ du lịch: Lễ tân, buồng, chế biến món ăn, nhà hàng, đại lý lữ hành và điều hành tour. Tại mỗi quốc gia ASEAN sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến góp ý về các bộ công cụ và cuối cùng sẽ có một hội thảo vùng để rà soát lại tổng thể và đi đến thống nhất một khung tiêu chuẩn nghề chung ASEAN.


Từ năm 2009 các quốc gia ASEAN đã ký Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch (MRA) với mục tiêu thúc đẩy sự dịch chuyển của lao động có kỹ năng trong ngành du lịch, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và tăng cường hợp tác xây dựng năng lực du lịch giữa các quốc gia ASEAN. Đây là những bước đi nhằm góp phần thúc đẩy mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Mục tiêu quan trọng này đòi hỏi sự nỗ lực của các quốc gia thành viên, ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, trong đó có du lịch tham gia thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế và thương mại trong khu vực.

 
Bài: Truyền Phương, ảnh: Phương Anh