Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Thành phố Đông Hà

Diện tích: 730 km²
Dân số: 93.800 người (năm 2009)
Dân tộc: Kinh
Đơn vị hành chính:
- Phường: 1,2 ,3, 4, 5, Đông Giang, Đông Thanh, Đông Lễ, Đông Lương

Vị trí địa lý

Thành phố Đông Hà là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị, nằm ở tọa độ 16º52’22” vĩ độ bắc, 107º04’24” kinh độ đông, phía bắc giáp huyện Cam Lộ và Gio Linh, phía nam và phía đông giáp huyện Triệu Phong, phía tây giáp huyện Cam Lộ. Đông Hà nằm ở ngã ba quốc lộ 1A nối Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh và quốc lộ 9 trong hệ thống đường xuyên Á; là điểm khởi đầu ở phía đông của trục hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với đất nước Lào và Thái Lan, Myanma... qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và các nước trong khu vực biển Đông qua cảng Cửa Việt.

Điều kiện tự nhiên

Thành phố Đông Hà có địa hình nghiêng và thấp dần từ tây sang đông với hai dạng địa hình cơ bản. Địa hình gò đồi bát úp ở phía tây và tây nam, chiếm 44% diện tích tự nhiên với độ cao trung bình 5- 100m. Mặt đất được phủ trên nền sa phiến cùng với địa hình gò đồi bát úp nối dài, thích hợp cho việc sản xuất canh tác, trồng cây lâm nghiệp, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, sinh thái vườn đồi, vườn rừng. Xen kẽ là những hồ đập có tác dụng điều hoà khí hậu, bảo vệ môi trường. Địa hình đồng bằng có độ cao trung bình 3m so với mực nước biển, được phủ lên mặt lớp phù sa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp (trồng lúa, hoa, rau màu...).

Địa bàn Đông Hà có sông Hiếu, Vĩnh Phước, Thạch Hãn, Hói Sòng và hàng chục khe suối, các hồ chứa, và một số hồ đập nhân tạo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường và nuôi trồng thuỷ sản.

Thành phố Đông Hà nằm ở khu vực phía đông Trường Sơn nên mang đặc điểm của khí hậu gió mùa và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió phơn Tây Nam nên tạo thành một vùng khí hậu khô, nóng. Chế độ khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô.

Đông Hà chịu ảnh hưởng sâu sắc của 2 loại gió mùa: gió mùa đông bắc hoạt động từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau và gió mùa tây nam hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9.

Lịch sử hình thành

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, thị trấn Đông Hà là một đô thị quan trọng đối với khu vực Khe Sanh, Lao Bảo. Sau năm 1975, tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, Đông Hà trở thành thị xã. Sau khi tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra như cũ vào năm 1989, thị xã Đông Hà trở thành tỉnh lỵ Quảng Trị. Thị xã Đông Hà được nâng lên thành thành phố Đông Hà năm 2009.

Tiềm năng du lịch
Đông Hà là điểm dừng chân của khách du lịch khi đến Quảng Trị để khởi phát đi các tuyến du lịch trong toàn tỉnh, nên thế mạnh của ngành du lịch Đông Hà là dịch vụ lưu trú, nghỉ ngơi, mua sắm và giải trí cho khách du lịch.

Trên địa bàn thành phố có các di tích lịch sử cấp quốc gia là Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, đình làng Nghĩa An cùng hệ thống giếng Chăm và cảng quân sự Đông Hà.

Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 được xây dựng năm 1997, trên cơ sở nghĩa trang Liệt sỹ thị xã Đông Hà cũ. Nghĩa trang nằm trên một vùng đồi thuộc địa bàn phường 4, bên cạnh quốc lộ 9, cách trung tâm thành phố khoảng 6km về phía tây. Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn Anh hùng, Liệt sỹ là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào. Nghĩa trang có 16 hạng mục công trình lớn nhỏ trong đó có hai hạng mục công trình lớn mang tính nghệ thuật và lịch sử là tượng đài chiến thắng và khu hành lễ. Cùng với nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và nhiều nơi khác, nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 là một điểm hẹn trong tour du lịch “Hoài niệm”.

Đình làng Nghĩa An cùng hệ thống giếng Chăm nằm bên bờ bắc sông Hiếu thuộc địa phận làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, cách trung tâm thành phố 2km về phía bắc theo trục giao thông bộ. Di tích đã được xếp hạng quốc gia từ năm 1996. Đình làng không chỉ phản ảnh lịch sử phát triển của nghệ thuật kiến trúc đình làng một vùng, một miền mà còn phản ánh sự phát triển của một cộng đồng làng trên một không gian địa văn hóa miền Trung.

Cảng quân sự Đông Hà nằm ở bờ nam sông Hiếu, cạnh quốc lộ 1A và cầu Đông Hà trên địa phận làng Điếu Ngao, nay thuộc phường 2, thành phố Đông Hà; cách cảng biển Cửa Việt khoảng 13km về phía tây. Từ đầu năm 1973 đến trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (4/1975), cảng Đông Hà là một cảng sông quan trọng của vùng giải phóng miền Nam. Hàng ngàn, vạn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm từ hậu phương miền Bắc đã qua cảng Đông Hà để vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Với giá trị về lịch sử văn hoá, di tích cảng quân sự Đông Hà được xếp hạng quốc gia năm 1986.

Về mua sắm, du khách có thể ghé chợ Đông Hà, là trung tâm thương mại lớn của địa phương, với các loại hàng hoá phong phú.

Giao thông

Thành phố Đông Hà nằm cách thủ đô Hà Nội 617km, thành phố Đồng Hới 94km, Tp. Hồ Chí Minh 1149km, thành phố Huế 74km, và cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo 83km.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM