Khám phá động Hồ Công - chùa Du Anh (Thanh Hóa)
Cập nhật: 29/07/2013
(TITC) - Động Hồ Công, chùa Du Anh thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Thành Nhà Hồ khoảng 4,5km về phía đông nam. Từ TP. Thanh Hóa, theo quốc lộ 45 khoảng 40km về phía tây, du khách sẽ đến quần thể di tích, danh thắng cấp quốc gia động Hồ Công - chùa Du Anh.

Chùa Du Anh, tên nôm là chùa Thông, nằm dưới chân dãy núi Xuân Đài. Tương truyền, công chúa Du Anh (thời Trần) đã về đây tu ẩn nên chùa được gọi là chùa Du Anh.

Chùa được khởi dựng vào thời Lý nhưng đã được trùng tu, tôn tạo lại vào thời Lê. Chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, lấy núi Xuân Đài làm hậu chẩm, núi Trác Phong làm tiền án, hai bên là Nhật hồ và Nguyệt hồ. Trong chùa, các tượng Phật được bài trí hợp lý, toát lên vẻ uy nghiêm, linh thiêng. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ tượng 2 linh vật là voi và sư tử thời Trần bằng đá trắng nguyên khối, trên bệ đá có khắc hình hộp, hoa văn sóng nước; 1 tấm bia đá nguyên khối cao 2,5m, với 4 mặt khắc chữ Hán. Trong đó, mặt trước khắc “Trùng tu Xuân Đài sơn, Hồ Công động, Du Anh tự bi”, mặt sau khắc “Ngày lành tháng 10 niên hiệu Hoằng Định thứ 6 (1605)” với nội dung kể tên các bậc vua, chúa, hoàng thân quốc thích, quan lại trong triều đã góp của trùng tu chùa.

Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng Giêng, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội chùa Du Anh nhằm ghi nhớ ngày Ngọc Hoàng giáng thế (9/1), vua Lê Thánh Tông về thăm động Hồ Công (mùng 9 tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 7 (1476)) và có làm bài thơ khắc trên vách động, đồng thời cầu một năm mưa thuận gió hòa.

Từ chùa Du Anh, bước qua các bậc đá nằm men theo sườn núi về phía đông nam dài khoảng 1km sẽ đến động Hồ Công. Trên đường đi, du khách nhìn thấy một phiến đá lớn khắc nổi 4 chữ "Thanh Kỳ Khả Ái" (màu xanh kỳ lạ đáng yêu). Đây chính là dấu tích để lại của người xưa trước cảnh trí thiên nhiên tuyệt mỹ nơi đây.

Động dài 45m, rộng 23m, cửa hình vòm, nằm ở độ cao khoảng 50 - 60m so với chân núi. Từ cửa động, du khách có thể bao quát một vùng với núi, rừng, sông, suối, ruộng, đồng, làng mạc đan xen chẳng khác nào một bức tranh thủy mặc. Từ đây, du khách cũng có thể nhìn thấy núi Tiến Sĩ với hình dáng một nhà nho áo mũ chỉnh tề đang ngồi suy tư đọc sách...

Động được tạo thành bởi những tấm đá xanh, vuông xếp chồng lên nhau. Trong động có những khối thạch nhũ rủ xuống từ trần và vách động, mỗi khối mang một dáng vẻ khác nhau, trông giống như những bức tượng được tạc từ bàn tay của các nghệ nhân tài hoa. Đặc biệt, tại đây có hai bức tượng Hồ Công Long và Phí Trường Phòng bằng đá với hình dáng, vẻ mặt như người thật. Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua các khe đá rọi vào trong động đã tạo nên một khoảng không kỳ ảo hư hư, thực thực như cõi tiên… Với vẻ đẹp kỳ bí này mà động Hồ Công đã được người xưa liệt vào “Tam thập lục động, Hồ Công vị đệ nhất” nghĩa là động Hồ Công là 1 trong 36 động đẹp của nước Nam. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” mô tả: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ lại có hang đá quanh co dài mười trượng, chỗ tận cùng có giếng đá sâu khôn cùng…”.

Nhờ sự kiến tạo tài tình của thiên nhiên mà các bậc vua, chúa, quan lại, thi nhân, mặc khách khi đến đây đều phải trầm trồ ca ngợi vẻ đẹp tuyệt mỹ hiếm có và đã để lại nhiều bút tích trên vách đá. Tiêu biểu như bài thơ “Đề Hồ Công động” của Vua Lê Thánh Tông, trong đó có câu “Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san” (động Hồ Công, vẻ đẹp như có quỷ thần soi tạc nên), bài thơ của chúa Trịnh Sâm với cảm xúc kỳ lạ về chốn tiên nơi đây: “Tằng tằng nham kính chuyển bàn vu/ Cao xứ hàm nha Ngọc nhất Hồ…” (Trập  trùng nẻo đá lượn quanh co/ Đỉnh núi cao nhô một Ngọc Hồ...) hay như bài thơ “Sơn Bất Tại Cao” của Hồng Anh cư sĩ Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du. Dựa vào câu: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tất linh; Giang bất tại thâm, hữu long tất ứng”, có thể suy ra ý nghĩa 4 chữ Hán “Sơn Bất Tại Cao” là: núi không cao mà có tiên sẽ linh thiêng; sông không sâu mà có rồng sẽ linh nghiệm, ý nói đến Hồ Công Long và Phí Trường Phòng.

Động Hồ Công còn lưu giữ dấu tích lịch sử. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, đây là nơi sản xuất và chứa súng đạn, vũ khí, quân lương, thuốc men của quân đội.

Với sự kết hợp giữa vẻ đẹp tự nhiên và nhân tạo, quần thể di tích, danh thắng quốc gia chùa Du Anh - động Hồ Công là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách của xứ Thanh.

Thanh Hải