Tổng cục Du lịch Việt Nam với công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách
Cập nhật: 25/06/2013
(TITC) - Thời gian qua, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2012, ngành Du lịch Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng. Năm 2012, ngành Du lịch đã đón và phục vụ 6,847 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Đặc biệt, thời gian gần đây, ở một số địa bàn trọng điểm về du lịch đã xảy ra tình trạng cướp giật tài sản, lừa đảo, gian lận, tăng giá, đeo bám, ép khách du lịch, hiện tượng taxi, xích lô hoạt động trái phép chưa được kiểm soát, nhiều điểm du lịch vẫn chưa đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...

Trước những khó khăn về kinh tế và diễn biến phức tạp trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Văn bản số 1712/BVHTTDL-TCDL ngày 13/5/2013 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các địa phương phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã thành lập 2 đoàn công tác, đoàn 1 do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng làm trưởng đoàn đã về làm việc với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng trong 3 ngày (19-21/6/2013); đoàn 2 do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp làm trưởng đoàn, làm việc với các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình trong 2 ngày (19-20/6/2013). Tại thủ đô Hà Nội, trong thời gian này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội.

Làm việc tại các địa phương, đoàn công tác của TCDL đã lắng nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo về công tác đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn của mình. Thông qua những chuyến đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại một số “điểm nóng” như chợ cửa khẩu biên giới Tân Thanh và khách sạn Mường Thanh tại Lạng Sơn; chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An tại Ninh Bình… Đoàn công tác đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cũng như thuận lợi của từng địa phương.

Cũng tại các buổi làm việc, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã trình bày, xin ý kiến góp ý của UBND tỉnh,  thành phố, các sở, ngành, địa phương về việc xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách”. Đại diện các cấp ngành, địa phương đã có những ý kiến tham gia, góp ý cụ thể vào các nội dung dự thảo căn cứ trên những đặc thù của từng địa phương.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, đoàn công tác sẽ bổ sung, tổng hợp để tham mưu Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị “Tăng cường công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách”.

Việc quản lý môi trường kinh doanh du lịch là công việc khó khăn; hiện tượng đeo bám, chèo kéo khách, bán hàng rong, cò mồi, ăn xin… luôn là nguy cơ tiềm ẩn phức tạp tại các khu, điểm du lịch. Do đó, công tác đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho khách du lịch là việc cần làm ngay. Hi vọng dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành liên quan cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam sẽ ngày càng trở nên thân thiện, là điểm đến yêu thích của bạn bè trên khắp thế giới.

Anh Dũng