Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại vườn quốc gia Pù Mát – Nghệ An
Cập nhật: 28/02/2013
(TITC) - Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát là một trong những vườn quốc gia tiêu biểu của Việt Nam, có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm và chứa đựng nét văn hóa bản địa đặc sắc. Tuy nhiên, Pù Mát đang gặp phải những vấn đề lớn từ cộng đồng dân cư sống ở vườn cũng như các hoạt động phát triển trong khu vực. Cuộc sống của người dân ở vùng đệm còn gặp nhiều khó khăn khiến họ chưa thực sự tham gia vào những nỗ lực bảo tồn vườn. Vì vậy, vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học VQG, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa ở đây là hết sức cần thiết. Việc nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một hướng đi mới, không chỉ giải quyết các vấn đề tồn tại mà còn nâng cao đời sống người dân bản địa, giảm áp lực lên tài nguyên, bảo tồn các giá trị văn hóa và đa dạng sinh học của VQG Pù Mát.

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở VQG Pù Mát  

Tài nguyên du lịch tự nhiên

                                   Vẻ đẹp nguyên sơ VQG Pù Mát

VQG Pù Mát có tổng diện tích 91.113ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 89.517ha, phân khu phục hồi sinh thái là 1.596ha. Vườn quốc gia được thành lập nhằm bảo tồn hệ sinh thái thuộc kiểu rừng nhiệt đới vùng Bắc Trường Sơn; bảo tồn các loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng; tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn cho hệ thống sông Cả để phục vụ trực tiếp cho đời sống và sản xuất của cộng đồng dân cư trong khu vực; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo điều kiện để người dân bản địa có thêm thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế phục vụ cho mục đích bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.    

Pù Mát có độ che phủ rừng rất cao (chiếm 98%), trong đó, 76% diện tích tự nhiên là rừng nguyên sinh hoặc rừng bị tác động không đáng kể. Ở đây có các kiểu thảm thực vật rừng như: rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới; kiểu phụ rừng lùn đỉnh núi; rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh nhiệt đới sau khai thác và phục hồi sau nương rẫy; trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh nhân tác; đất canh tác nông nghiệp và nương rẫy. VQG có 2.494 loài thực vật bậc cao thuộc 931 chi và 202 họ của 6 ngành, phần lớn thuộc ngành Ngọc Lan với 2.309 loài, 845 chi và 167 họ; trong đó có 68 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, chiếm 20,17%.    

Ngoài ra, VQG Pù Mát còn có 939 loài động vật đặc hữu, trong đó có những loài đặc trưng như Chào vao, Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn, Chà vá chân nâu, Vượn má vàng, Voọc xám, Thỏ vằn, Cầy vằn, Trĩ sao, Khướu mỏ dài. Theo thống kê, hiện 77 loài động vật ở Pù Mát đã được ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam và 60 loài nằm trong danh mục Sách Đỏ của IUCN (năm 2004).  

Tài nguyên du lịch nhân văn

                              Bản người Đan Lan ở VQG Pù Mát

Khu vực VQG Pù Mát là nơi tập trung sinh sống của ba dân tộc chính là Thái, Khơ Mú và Kinh; trong đó, người Thái chiếm tỉ lệ lớn nhất (66,89%), người Kinh chiếm tỉ lệ ít nhất (11,25%). Ngoài ra, khu vực này còn có một số dân tộc ít người khác sinh sống như: H’mông, Đan Lai, Poọng, Ơ đu...  

Sự đa dạng của các tộc người đã tạo cho VQG Pù Mát nhiều nét văn hoá dân gian đặc sắc có giá trị. Đó là những di sản quý giá được kết tinh qua bao thế hệ, nổi bật là các loại nhạc cụ dân tộc (bộ dây có đàn tập tinh, đàn xì xò; bộ gõ có cồng, chiêng, trống, mõ khắc luống; bộ hơi có các loại sáo, kèn lá, kèn bè…); vải thổ cẩm và các sản phẩm từ thổ cẩm; văn hoá ẩm thực (cơm lam Kẻ Quạ, cá mát sông Giăng, Lạp Pa, thịt chua, canh măng đắng, canh bon, rượu trấu…).  

Thực trạng phát triển du lịch ở VQG Pù Mát  

VQG Pù Mát có một số điểm tham quan du lịch nổi bật như: quần thể khu hành chính (trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, vườn thực vật, vườn ươm, đình Làng Âu, khu hành chính – văn phòng…); quần thể điểm du lịch tại Môn Sơn (cây đa Cồn Chùa, đập Phà Lài, sông Giăng, khe Khặng, thác Làng Yên…); làng nghề dệt thổ cẩm Yên Thành (Lục Dạ); thành Trà Lân, bia Mã Nhai, hang Ông Trạng (thị trấn Con Cuông); khe Nước Mọc, thẩm Nàng Màn, hang Ốc (Yên Khê – Con Cuông); quần thể điểm du lịch thác Kèm (thác Khe Kèm, đỉnh Khe Kèm, đỉnh Pơ Mu…); rừng săng lẻ, các hang động tại Tam Đình (Tương Dương); đỉnh Khe Thơi, đỉnh Pù Mát tại Tam Quang (Tương Dương).  

Năm 2008, lượng khách du lịch nội địa đến VQG Pù Mát tăng 9.445 lượt người tham quan và 1.791 lượt người lưu trú so với năm 2005. Đặc biệt, lượng khách quốc tế tăng gấp đôi so với năm 2007. Tuy nhiên, trong cơ cấu tổng số khách, lượt khách nội địa chiếm tỉ lệ lớn 97,6% (năm 2005) và 96,4% (năm 2008), trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên và công nhân viên chức từ các thành phố lân cận và Hà Nội, phần còn lại là khách công vụ và người dân địa phương quanh vùng. Trong khi đó, khách quốc tế chiếm tỉ lệ thấp, chủ yếu là các nhà khoa học và khách lẻ từ các nước phương Tây và Trung Quốc.  

Nguồn thu chủ yếu của VQG Pù Mát là từ dịch vụ lưu trú, cho thuê phòng họp, hội thảo, bán quà lưu niệm… Vì vậy, sự gia tăng lượng khách tham quan và lưu trú đã giúp cho doanh thu tăng lên nhanh chóng. Năm 2008, doanh thu tăng 122.467.000 đồng so với năm 2005.  

Những thuận lợi và khó khăn của VQG Pù Mát trong việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Khu vực VQG Pù Mát có tiềm năng phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái cộng đồng nói riêng. Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, người dân nơi đây còn rất thân thiện, hiếu khách, cần cù; nhận thức của người dân, chính quyền địa phương về phát triển bền vững được nâng lên sau các đợt tuyên truyền, tập huấn, thực hiện các dự án liên quan đến bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã ban hành các quyết định, văn bản pháp quy, đề án phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá bản địa cũng như các chính sách hỗ trợ về kinh tế, vốn, kỹ thuật; nhiều giải pháp lồng ghép để phát triển kinh tế tại các khu vực có đủ điều kiện phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.  

Tuy nhiên, Pù Mát còn thiếu cơ chế hợp tác, phối kết hợp giữa các bên tham gia trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng; người dân chưa nhận thức đầy đủ, thống nhất về du lịch sinh thái cộng đồng; thiếu các dự án cụ thể trong việc hỗ trợ phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng; thiếu vốn đầu tư; hạn chế về năng lực quản lý điều hành; hoạt động marketing yếu; chưa  xây  dựng được mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng rõ ràng; hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng ở đây chưa được biết đến nhiều…  

Giải pháp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở VQG Pù Mát  

Giải pháp về cơ chế, chính sách: cần có cơ chế chính sách và sự phân chia trách nhiệm đồng bộ giữa VQG Pù Mát với chính quyền, các đơn vị, tổ chức đoàn thể địa phương; xây dựng nội quy, quy định của vườn, làng bản, câu lạc bộ dân ca Thái; xây dựng quy chế phối kết hợp giữa các bên tham gia phát triển; xây dựng, ban hành và thực hiện một số chính sách nhằm phát huy những lợi thế và hạn chế khó khăn để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại VQG Pù Mát.

Giải pháp về quy hoạch: xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật (nhà khách, bãi đậu xe, các biển chỉ dẫn, trang thiết bị phục vụ cho khách du lịch, những dụng cụ cho các hoạt động cộng đồng, ca múa,…); quy hoạch tuyến, điểm du lịch sinh thái cộng đồng cụ thể; hỗ trợ cộng đồng trong việc điều phối khách, phân khu lưu trú, ăn uống, bán hàng,…  

Giải pháp về vốn đầu tư, hỗ trợ: tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình phát triển của Nhà nước cho nông thôn, miền núi…; các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ cộng đồng; huy động nguồn lực từ dân.

Giải pháp về nhân sự và phát huy nguồn nhân lực địa phương: nâng cao ý thức người dân trong việc phát huy lợi thế văn hoá, cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch; hình thành nên các nhóm nòng cốt trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng; tạo mọi điều kiện thuận lợi và động viên các gia đình dân tộc tại địa phương cho con em đến trường nhằm từng bước xoá bỏ nạn mù chữ.  

Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá: thiết kế nội dung tuyên truyền bằng tờ rơi, cẩm nang… và thông tin điểm, tuyến du lịch trên website của VQG hay website xúc tiến du lịch Nghệ An và của Việt Nam; thành lập các CLB dân ca Thái; phối hợp với đài truyền hình để tuyên truyền, quảng bá; tích cực tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế kể cả về khoa học và du lịch để tăng cường quảng bá cho VQG Pù Mát.

Giải pháp về an ninh, an toàn: triển khai thực hiện chương trình bảo vệ VQG Pù Mát; phối hợp với các lực lượng chức năng để có phương án bảo vệ an toàn, ngăn chặn các hành động phá hoại môi trường sinh thái VQG; thực hiện đủ, đúng các nguyên tắc của du lịch vùng biên.  

VQG Pù Mát có đầy đủ các điều kiện để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tuy nhiên, hoạt động du lịch ở đây còn mang tính tự phát, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Do đó, việc định hướng phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái cộng đồng nói riêng tại VQG Pù Mát là cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tự nhiên và văn hóa đặc sắc.

Phạm Phương