Lên Suối Giàng thưởng thức chè Shan Tuyết
Cập nhật: 28/11/2012
(TITC) - Nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, trên diện tích 5.922 ha, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là điểm đến thú vị trên tuyến du lịch Yên Bái – Suối Giàng - Mường Lò - Mù Cang Chải. Một trong những nét hấp dẫn ở Suối Giàng là văn hóa Trà của người Mông.

Nguồn ảnh: Internet

Địa hình Suối Giàng khá phong phú với những dãy núi đá hùng vĩ, mang vẻ đẹp độc đáo và có giá trị kinh tế cao. Trong đó đáng chú ý là loại đá cảnh vân hoa tím, xanh phân bố chủ yếu ở dãy núi Khỉ thuộc địa phân thôn Giàng A; đá cảnh vân mây với nhiều hình thù kỳ thú ở thôn Kang Kỷ, vách đá màu vàng xanh, xanh đen ở thôn Suối Lóp… Ngoài ra, đất đai thổ nhưỡng kết hợp khí hậu quanh năm mát mẻ, mang đặc trưng của miền ôn đới đã khiến nơi đây trở thành môi trường thích hợp để các loại cây sinh sôi, nảy lộc như: rau cải Mèo, su su, sa mộc, pơ mu, các loại củ, quả, ngũ cốc…, đặc biệt là cây chè Shan Tuyết...

Chè Shan Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất, trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm; trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan Tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao). Vùng chè Shan Tuyết ở Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 393ha, trong đó diện tích cây mọc tự nhiên là 293ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Păng Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… với hơn 4 vạn cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm. Chè Shan Tuyết cổ thụ có thân cây to bằng vài người ôm, màu trắng mốc; tán cây rộng khoảng 20m²; lá màu xanh đậm.

Nguồn ảnh: Internet

Từ xưa, trà được coi là quốc thủy của người Việt. Văn hóa trà Việt không chỉ là thú vui tao nhã mà còn thể hiện tập quán thưởng thức trà phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam. Người xưa có câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh" để nói về cái thú thưởng thức trà của người Việt.

"Nhất thủy" ngụ ý nói, để có một ấm trà Shan Tuyết mang hương vị đặc trưng thì nước pha trà phải được lấy từ chính nơi cây chè mọc lên để khi đun sôi vẫn giữ nguyên độ tinh khiết.

"Nhì trà" nói về cách chọn trà để pha. Trà Shan Tuyết được coi là đạt tiêu chuẩn phụ thuộc rất nhiều vào việc hái và sao búp chè. Búp chè phải được hái vào lúc còn đọng sương sớm, vì theo quan niệm của người Mông, đây là thời điểm búp chè tích tụ nhiều nhất tinh túy của đất, trời. Sau khi loại bỏ những búp già, bị sâu, chè được cho vào chảo để sao. Khi sao chè, phải dùng củi khô để lửa cháy đượm, đều và luôn kiểm tra nhiệt độ trong chảo (tránh tình trạng chảo quá nóng hay quá nguội) sao cho đảm bảo búp chè săn, giòn tan, có màu trắng xám, hương thơm ngào ngạt.

“Tam bôi, tứ bình” nói đến dụng cụ pha trà và cách pha trà. Người Mông ở Suối Giàng dùng bình trà và chén uống trà bằng xứ nung già. Đầu tiên, họ tráng trà bằng nước sôi 100ºC để loại bỏ bụi bẩn, sau đó chế nước sôi đầy ấm để bọt trào ra ngoài rồi đậy nắp, chờ từ 5 đến 10 phút. Khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít. Thực khách thưởng thức xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt thứ hai. Như vậy, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của trà.

"Ngũ quần anh" chính là bạn trà. Đến Suối Giàng, nếu có dịp quây quần cùng đồng bào Mông thưởng thức trà Shan Tuyết mới hiểu hết giá trị bản sắc văn hóa của họ, sự tinh túy của loại trà được xếp vào hàng đặc sản đồ uống của Việt Nam. Theo nhận xét của một chuyên gia nước ngoài từng đến Suối Giàng nghiên cứu về trà Shan Tuyết thì trà ở Suối Giàng có hương vị độc đáo, hội tụ đủ 18 vị trà hàng đầu trên thế giới... Theo đánh giá của nhiều du khách, trà Shan Tuyết ở đây có mùi hương cao sang, không thể lẫn với bất kỳ loại trà nào. Còn người dân địa phương khi nói cảm nhận về trà Shan Tuyết vẫn tự hào nhắc lại những đánh giá của nhà bác học Lê Quý Đôn: "Uống chén thứ nhất thấy thân thể khỏe ra, uống chén thứ hai thấy quá khứ hiện về, uống chén thứ ba thấy có thể thông cảm được với các vị tiền bối, uống chén thứ tư thấy gió thổi lất phất ở hai bên tai, cho nên không thể uống thêm chén thứ năm được nữa".

Đến Suối Giàng, ngoài dịp thưởng thức hương vị của trà Shan Tuyết; được người dân địa phương đưa đi tham quan đồi chè cổ thụ; hướng dẫn cách hái, sao, pha trà theo văn hóa bản địa; du khách còn được khám phá các giá trị văn hóa đặc sắc khác của người Mông, trong đó có lễ cúng cây chè tổ (mọc tại địa phận thôn Giàng B) nhằm tri ân trời đất, cây chè đã giúp họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây là nghi lễ truyền thống, được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân nhằm thể hiện nét đẹp trong văn hóa của người Mông Suối Giàng.

Hiện tỉnh Yên Bái đã quy hoạch Suối Giàng thành khu du lịch với nhiều dịch vụ hấp dẫn: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hoá bản địa, đặc biệt là cây chè Shan Tuyết nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển cũng như tạo nền tảng để người dân địa phương bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa theo hướng bền vững. 

 Thanh Hải