Bình Dương phát huy thế mạnh phát triển du lịch
Cập nhật: 25/10/2012
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, lượng khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh năm 2012 ước đạt hơn 3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch ước khoảng 743,5 tỷ đồng, so với chỉ tiêu kế hoạch năm đạt 126% và so với cùng kỳ năm 2011 tăng 19,5%. 

Những năm qua, tỉnh Bình Dương được biết đến là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xã hội hóa các hoạt động du lịch. Đây là nguồn lực rất lớn để du lịch của địa phương này phát triển trong những năm tới.

        Du khách tham quan khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến

Theo đó, nhiều công trình du lịch của Bình Dương được phát triển theo loại hình xã hội hóa đã trở thành những điểm đến nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn trong khu vực như: Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, Khu du lịch Mắt Xanh, Khu du lịch Phương Nam… Đặc biệt, tiềm năng của Bình Dương trong việc phát triển các tour du lịch tham quan khám phá các làng nghề truyền thống đặc thù của địa phương như gốm sứ, sơn mài, đồ gỗ… là rất lớn.

Do có 3 con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, nên đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Bình Dương xây dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dọc theo các con sông, vừa có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá vốn rất được yêu thích đối với du khách nước ngoài, du khách đến từ các đô thị lớn trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Ngoài những cảnh quan thiên nhiên, du lịch Bình Dương còn có tiềm năng rất lớn từ hệ thống các di tích với hàng chục di tích được xếp hạng cấp quốc gia như Khu di tích địa đạo Tây Nam - Bến Cát, nhà tù Phú Lợi, chùa Hội Khánh…, với gần 30 di tích cấp tỉnh và trên 500 di tích khác chưa được xếp hạng. Trong số các di tích này, đa số là đình, chùa, miếu, tịnh xá, tịnh thất, nhà cổ, mộ cổ, di tích khảo cổ vốn rất thích hợp để phát triển các tour du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - về nguồn.

Do Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm gần đô thị trung tâm kinh tế lớn nhất nước với cả chục triệu dân là thành phố Hồ Chí Minh, tiếp đến là thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nên đã thu hút lượng khách du lịch rất lớn từ các địa phương này đổ về vào dịp cuối tuần theo dạng nghỉ dưỡng.

Đặc biệt, Bình Dương nằm gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sắp tới là sân bay quốc tế Long Thành, đây là khoảng cách lý tưởng để thu hút khách du lịch quốc tế khi đặt chân xuống sân bay.

Được biết, Đề án Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch Bình Dương phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, theo đó, ngành du lịch Bình Dương phấn đấu đến năm 2015 đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó 43 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đến năm 2015 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, Bình Dương vừa củng cố lại Hiệp hội du lịch của tỉnh với Đại hội giữa nhiệm kỳ và ra mắt Ban chấp hành mới tập hợp những cá nhân có năng lực, tâm huyết, đam mê với ngành nghề. Đây được coi là cú hích cho du lịch tỉnh Bình Dương phát triển theo định hướng, để trong một vài năm tới, Bình Dương không chỉ nổi tiếng về phát triển công nghiệp mà còn là tỉnh nổi tiếng về du lịch trong khu vực ASEAN.

ĐCSVN