Bản Lạn: Bản sắc văn hóa truyền thống là nền tảng phát triển du lịch cộng đồng
Cập nhật: 12/09/2012
(TITC) - Huyện Bắc Mê (Hà Giang) là một vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời. Bắc Mê nổi tiếng với những lễ hội văn hoá đặc sắc được thể hiện qua phong tục tập quán, qua lao động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, và bên cạnh đó thiên nhiên đã ban tặng cho Bắc Mê nhiều cảnh quan đặc sắc và hấp dẫn.

Để phát huy nội lực và khai thác tiềm năng sẵn có, trong thời gian qua, huyện Bắc Mê đã và đang tích cực xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng các tua, tuyến du lịch, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng. Bản Lạn là một trong số các thôn bản của huyện Bắc Mê đi lên từ việc khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch.

Nằm cách trung tâm huyện lỵ Bắc Mê 5 km về phía đông bắc, cách thành phố Hà Giang 50 km đi theo tuyến quốc lộ 34, Bản Lạn được công nhận là Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng ngày 25/12/2007. Bản Lạn là một trong 12 thôn của xã Yên Phú có tổng diện tích tự nhiên hơn 128 ha, chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng.

Đến Bản Lạn hôm nay, ta bắt gặp một làng văn hóa đặc trưng, truyền thống xen kẽ nét hiện đại với cơ sở hạ tầng khang trang phục vụ du khách đến tham quan, du lịch. Tổng số dân trong bản hiện có là 40 hộ với 214 người đều là dân tộc Tày. Các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc nơi đây vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn, thể hiện qua trang phục, trang sức, ẩm thực và các lễ hội truyền thống vẫn được tổ chức ở địa phương như: Lễ hội Lồng Tồng, múa hát giao duyên, trò chơi dân gian đu quay, đánh sảng,...

Nét đặc sắc trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày là một sắc chàm với hoa văn được trang trí trên trang phục. Tuy có sự đơn giản về màu sắc, hoa văn so với một số dân tộc khác như H’mông, Lô Lô, nhưng vẫn làm nổi bật vẻ duyên dáng của các cô gái Tày.

Người Tày sống tập trung thành bản ngay ở chân núi thấp với việc dựng nhà theo kiểu rất đặc trưng là nhà sàn khá cao, mái ngói; tường nhà, cột chống, cầu thang được làm hoàn toàn bằng gỗ và vẫn duy trì nếp sống trong cùng một gia đình với nhiều thế hệ, các thành viên trong gia đình đoàn kết và yêu thương nhau. Mỗi ngôi nhà vẫn giữ được cách bài trí và sắp đặt truyền thống, ở giữa là nơi thờ cúng tổ tiên, xung quanh là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Chính giữa nhà vẫn là nơi có thể đốt củi, điều này đặc biệt có ý nghĩa với những gia đình có người cao tuổi khi mùa đông lạnh đến.

Ngoài nghề nông cơ bản là trồng lúa nước, đồng bào người Tày còn canh tác các loại cây lương thực khác như ngô, khoai, sắn… đặc biệt là trồng chè phục vụ nhu cầu hàng ngày và là sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ra thị trường, bên cạnh đó, người dân trong làng vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Người Tày ở Bản Lạn có cách chế biến các món ăn rất hài hòa và đặc sắc, các món ăn phù hợp với khẩu vị của tất cả mọi người. Các loại thực phẩm đều tự túc, đảm bảo vệ sinh và cách trang trí các món tuân theo nguyên tắc âm dương, đem lại cho người ăn cảm giác ngon và lạ. Có khá nhiều món ăn truyền thống như: thịt lợn treo gác bếp, thịt mắm, cơm xôi với cá nướng đem lại sự thú vị cho người thưởng thức. Cùng với đó còn có các loại rượu ngô được chế biến từ men lá rất đặc trưng.

Đồng bào dân tộc Tày ở Bản Lạn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa khá đặc sắc như: Hát then hay các làn điệu múa bát, hát quan làng, hát cọi, hát giao duyên, bài cúng truyền thống. Đặc biệt, cây đàn tính là nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Tày không thể thiếu trong các làn điệu hát then, một làn điệu được bắt nguồn từ trong lao động sản xuất hoặc trong sinh hoạt hàng ngày. Người Tày hát then để quên đi nỗi vất vả cực nhọc, để trao gửi tâm tình, để cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong cuộc sống…

Để tạo cảnh quan, trong thôn đã tiến hành trồng cây đào, khi tết đến xuân sang, đến Bản Lạn, du khách có thể đắm mình trong sắc hồng của hoa đào và trong tiết  mùa hè có dịp thưởng thức những loại trái cây sạch do chính những người dân nơi đây trồng như: đào, mận, dưa…



                                                                                                                                  Hương Lê