Lễ hội cầu mưa – Điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng ở bản Sảng Pả A (Mèo Vạc)
Cập nhật: 07/09/2012
(TITC) - Bản Sảng Pả A (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) được công nhận là Làng Văn hóa Du lịch từ tháng 5/2007. Bản nằm trên mỏm đồi thuộc thị trấn Mèo Vạc trong khu vực Cao Nguyên đá Đồng Văn. Bản có 68 hộ với 253 nhân khẩu trong đó có 8 dòng họ gồm: Cán, Lèng, Tào, Thàng, Lò, Mua, Dình, Doãn đều là dân tộc Lô Lô.

Người Lô Lô trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên nương rẫy, sống quần tụ thành các bản lớn và vừa trên các triền núi, sống trong những ngôi nhà với kiến trúc nguyên sơ, ở nhà trình tường, mỗi nhà đều có khuôn viên riêng, ngoài nhà còn có vườn và chuồng gia súc, xung quanh nhà thường có hàng cây bao quanh…  

Hàng năm, người dân tộc Lô Lô thường tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội nhẩy cây hay còn gọi là lễ hội mùa xuân, được tổ chức vào 25 tháng Chạp năm trước đến hết rằm tháng Giêng năm sau; Lễ hội hái ngô vào các dịp tết cổ truyền…  

Đặc biệt nhất là lễ hội cầu mưa thường được tổ chức vào tháng Ba âm lịch hàng năm ở khu sân rộng giữa bản với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội cầu mưa là một lễ hội tín ngưỡng phồn thực. Trong dịp tổ chức lễ hội, mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao năm mới sẽ có nhiều hạt mưa rơi xuống tưới cho cánh đồng của Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời sống no ấm.  

Thông thường, trong lễ hội, bà con trong bản sẽ cùng nhau chuẩn bị đồ để tế lễ và một vật tế lễ không thể thiếu được trong tất cả các lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô đó là trống đồng và đàn nhị. Người Lô Lô cho rằng từ thuở có trời, có đất là có trống đồng. Trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói. Xuất phát từ quan niệm bố Trời - mẹ Đất, họ cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ. Chiếc đàn nhị của người Lô Lô cũng khá độc đáo, đàn nhị thường to gấp 3-4 lần so với chiếc nhị của người Kinh. Khi kết thúc lễ cầu mưa, một cô gái xinh đẹp sẽ vừa nhảy múa vừa kéo nhị.  

Ngày hội cầu mưa là dịp vui nhất của người Lô Lô. Trong ngày này, những người già gặp nhau nói chuyện gia đình, con cái, chuyện phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng cấy, chuyện chọn dâu, kén rể. Với lớp trẻ, đây là dịp các chàng trai tìm người yêu qua câu hát giao duyên, bằng tiếng sáo cờ lé, sáo đôi. Trong ngày hội, những cô gái Lô Lô đẹp rạng ngời, rực rỡ trong bộ váy áo mới, thêu hoa văn rực rỡ. Mỗi bộ trang phục của chị em phụ nữ Lô Lô luôn phong phú về chủng loại, kỹ thuật và cách tạo dáng ấn tượng, độc đáo do chính bàn tay các cô gái tự may, thêu lấy. Không ai giống ai, những chiếc áo cổ vuông, tay áo được ghép bằng nhiều mảnh vải chàm màu sắc khác nhau, trên nền vải tự thêu trang trí, và được kết hợp với dây lưng thêu hoa có tua sặc sỡ cùng những chiếc vòng cổ, vòng tay bằng bạc... tạo nên một màu sắc ấn tượng của dân tộc mình.  

Bản Sảng Pả A vẫn giữ được khá nguyên vẹn truyền thống văn hóa, thể hiện rất rõ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lễ hội và trong trang phục, nhất là trang phục phụ nữ. Từ năm 2007, khi Sảng Pả A được công nhận là Làng Văn hóa du lịch của huyện Mèo Vạc, huyện đã đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa; trang bị đầy đủ hệ thống điện, tăng âm, loa, đài và những thiết bị cần thiết để phục vụ cho các hoạt động của Làng Văn hóa; thành lập đội văn nghệ dân gian Lô Lô; thành lập các tổ sản xuất hàng lưu niệm… và bước đầu đã thu được những thành công đáng khích lệ. Các đoàn khách trong nước, quốc tế đến bản Sảng Pả A ngày một nhiều hơn và đều có những ấn tượng tốt đẹp về đội văn nghệ cũng như những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, cùng những sản phẩm lưu niệm được làm ra do chính bàn tay của người Lô Lô ở đây.  

Việc phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sảng Pả A không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế địa phương, mà qua đó, những giá trị văn hóa truyền thống của người Lô Lô được giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh, giúp thế hệ trẻ nơi đây biết yêu quý và phát huy những giá trị tốt đẹp đó.  

Hương Lê