Tăng cường thu hút khách Nhật Bản đến với vùng đất di sản miền Trung
Cập nhật: 05/09/2012
(TITC) - Vừa qua, ngày 25/8/2012, tại đô thị cổ Hội An đã diễn ra hội thảo bàn các giải pháp thu hút du khách Nhật Bản đến các địa phương miền Trung Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Tổng cục Du lịch, Vietnam Airlines, cơ quan quản lý du lịch TP. Hội An và một số địa phương trong khu vực, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội các hãng lữ hành Nhật Bản (JATA), một số trường đại học, doanh nghiệp du lịch hai nước...

Với xu hướng ưa thích những điểm đến có phong cảnh đẹp, các di tích lịch sử, những nơi có cơ hội mua sắm, ẩm thực độc đáo và sự thân thiện của người dân bản địa của du khách Nhật Bản, thì Việt Nam luôn nằm trong số những điểm đến ưa thích của đối tượng khách này. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đối tượng khách Nhật như: an ninh chính trị ổn định, khách Nhật sang Việt Nam được miễn visa 15 ngày, khoảng cách 2 quốc gia là khá gần với 5 giờ bay thẳng, nền văn hóa có nhiều nét tương đồng, quan hệ ngoại giao tốt đẹp...

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, lượng khách Nhật Bản tới Việt Nam có xu hướng tăng trưởng tốt qua các năm, chỉ trừ năm 2003 là thời điểm diễn ra dịch Sars trên thế giới và giai đoạn 2008-2009, khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Nhật Bản luôn nằm trong tốp 5 quốc gia gửi khách nhiều nhất tới Việt Nam. Trong năm 2011, Nhật Bản đứng thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc, với số du khách tới Việt Nam là 481.519 người, tăng 8,9 % so với năm 2010. Trong 8 tháng đầu năm 2012, lượng khách Nhật đến Việt Nam đạt 376.324, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội các hãng lữ hành Nhật Bản (JATA) đánh giá miền Trung Việt Nam có nhiều tiềm năng hấp dẫn với những di sản thế giới Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; những bãi biển đẹp được đánh giá cao như Lăng Cô (Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Cửa Đại (Quảng Nam); các lễ hội đặc sắc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như: Festival Huế, Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản, pháo hoa quốc tế Đà Nẵng... Bên cạnh đó, giao thông đến với miền Trung cũng rất thuận tiện với sân bay quốc tế Đà Nẵng kết nối thành phố này với nhiều điểm đến quốc tế, trong đó có Nhật Bản.

Theo đại diện Phòng Thương mại – Du lịch TP. Hội An, đô thị cổ này là trung tâm mậu dịch thương mại quốc tế nổi tiếng trên hành trình thương mại Đông – Tây được hình thành từ cuối thế kỷ 16, đến thế kỷ 17, là một thương cảng phồn thịnh nhất xứ Đàng Trong – Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn, bởi sự hội tụ của các thương thuyền từ Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan… Nhiều kiều dân nước ngoài đã đến định cư tại đất Hội An, đặc biệt là người Trung Quốc và Nhật Bản, điều đó tạo nên cho Hội An những nét kiến trúc hỗn hợp đặc trưng với những di tích văn hóa mang đậm bản sắc của từng dân tộc và sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Ngày nay, giá trị văn hóa vật thể nổi bật tại Hội An là sự hiện tồn hầu như nguyên trạng một quần thể kiến trúc đô thị mang tính độc đáo, hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á. Trong khu phố cổ Hội An có trên 1.300 di tích với 11 loại hình như: Đình, chùa, lăng, miếu, mộ, thánh thất, cầu, giếng, nhà thờ, hội quán và nhà ở tạo nên một quần thể kiến trúc đô thị cổ với những giá trị không trùng lặp…Tại đây vẫn còn lưu dấu phố Nhật với vai trò là trung tâm thương mại của Nhật tại Đông Nam Á cùng nhiều di tích di chỉ văn hóa của người Nhật như 3 ngôi mộ người Nhật, nhiều mảnh gốm Hizen tiêu biểu của Nhật và đặc biệt là chùa Cầu (còn gọi là Lai Viễn Kiều)...

Tuy nhiên, theo thống kê của chính quyền địa phương, lượng khách Nhật tới Hội An chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Năm 2010 khách Nhật đến Hội An đạt 19.126 lượt, năm 2011 đạt 20.057 lượt và chỉ đứng ở vị trí thứ 6 trong 10 thị trường khách hàng đầu tới Hội An.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng hiện nay khu vực miền Trung vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu du lịch của khách Nhật Bản như cơ sở hạ tầng du lịch, thiếu hụt hướng dẫn viên tiếng Nhật, một số khách sạn không có nhân viên nói tiếng Nhật, hạn chế về nguồn thông tin du lịch...

Trong kế hoạch tổng thể thu hút khách Nhật Bản đến Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã xây dựng dựng đề án, đặt mục tiêu đón 1 triệu khách Nhật Bản vào năm 2015. Theo đó, các giải pháp thực hiện sẽ tập trung vào những nội dung như xây dựng và duy trì website xúc tiến du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật. Tổ chức các đoàn famtrip, presstrip của Nhật vào Việt Nam, tổ chức roadshow du lịch Việt Nam tại Nhật, các hoạt động xúc tiến du lịch giữa hai bên, sản xuất các ấn phẩm quảng bá du lịch, tham gia các hoạt động, chương trình giao lưu văn hóa do hai nước tổ chức...

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về thị trường khách Nhật và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về các giải pháp thu hút đối tượng khách Nhật tới miền Trung như: cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, ổn định đường bay từ Nhật Bản tới Đà Nẵng, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch, thông tin cho khách du lịch...



                                                                                                                          Hương Lê