Quảng Ninh chuyên nghiệp hoá môi trường du lịch
Cập nhật: 05/09/2012
Những năm qua, TP. Hạ Long có bước tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành kinh tế mũi nhọn du lịch. Với những nỗ lực đổi mới chính mình, hoạt động du lịch của Hạ Long đang ngày càng nâng tầm thương hiệu trong nước và quốc tế.

Những bước tiến quan trọng
Nhìn lại chặng đường gần đây, nhất là giai đoạn từ năm 2001 đến nay, du lịch Hạ Long đã có bước phát triển nhanh, cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng được đầu tư lớn; chất lượng phục vụ ngày một nâng cao. Hoạt động du lịch đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành kinh tế dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Đặc biệt, công tác đầu tư phát triển du lịch Hạ Long luôn được Tổng cục Du lịch và tỉnh quan tâm sâu sát. Cùng với việc đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội chung, thành phố đã chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, đa dạng hoá các sản phẩm, loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Hạ Long có trên 500 khách sạn với gần 9.000 phòng nghỉ; số buồng, phòng xếp hạng từ 1-4 sao chiếm 35% tổng số buồng, phòng trên địa bàn. Hệ thống tàu du lịch đáp ứng tốt nhu cầu tham quan vịnh Hạ Long của du khách (năm 2001 mới có 200 tàu, đến nay tăng lên gần 400 tàu); đáng chú ý là loại hình tàu nghỉ đêm trên vịnh ngày càng được đầu tư lớn với các phòng đủ tiêu chuẩn chất lượng cao, mang đẳng cấp quốc tế.

Một trong những thành công lớn của du lịch Hạ Long những năm qua là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch. Cùng với chính sách mở cửa phát triển kinh tế của đất nước, phát huy lợi thế của địa phương, thành phố không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch, đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác phát triển du lịch với các địa phương ở nhiều nước trên thế giới, khai thông nhiều tuyến du lịch đường biển, ký kết hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch... Đây chính là những nền tảng quan trọng để du lịch Hạ Long vươn tới nhiều thị trường du lịch trong và ngoài nước. Với những sách lược có tính chất đón đầu, mở rộng hợp tác quốc tế đã giúp du lịch Hạ Long khẳng định thương hiệu, sớm hội nhập với khu vực và quốc tế. Chỉ từ năm 2006 đến nay, lượng khách du lịch đến thành phố tăng bình quân 14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 14,2%. Trong 6 tháng đầu năm nay, khách du lịch đến thành phố đạt 2,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 1,05 triệu lượt, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt 1.039 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên đã khẳng định, mặc dù bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế, nhưng du lịch Hạ Long vẫn đứng vững, tiếp tục có sự tăng trưởng, phát triển.

Hướng tới phát triển bền vững

Dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch thành phố Hạ Long năm 2015 đạt khoảng 14%, doanh thu 4.000 tỉ đồng, năm 2020 là 8.000 tỉ đồng, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng quốc tế vào giai đoạn 2015-2020. Những mục tiêu trên đã và đang được thành phố thực hiện đúng hướng và đạt hiệu quả cao. Trong đó đặc biệt tập trung khai thác có hiệu quả các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên du lịch, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn có quy mô hiện đại, bền vững. Đồng thời phát triển rộng ra ngoài địa bàn thành phố với việc hình thành khu du lịch Hạ Long gồm: Trung tâm du lịch Hạ Long và vùng phụ cận, một phần huyện Hoành Bồ, trong đó trọng điểm là vịnh Hạ Long - Bãi Cháy - Hùng Thắng - Tuần Châu và trung tâm TP. Hạ Long; xây dựng Hạ Long là trung tâm du lịch của vùng duyên hải Đông Bắc và trở thành trung tâm du lịch biển có chất lượng quốc tế vào giai đoạn sau. Từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỉ trọng GDP du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá, cảnh quan môi trường.

Quy hoạch du lịch của thành phố cũng đặt ra định hướng phát triển về không gian, tuyến điểm du lịch, cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch, bảo vệ môi trường... Về không gian theo 3 hướng chính: hướng đông nam - phát triển ra vịnh Hạ Long; hướng đông bắc - phát triển bám theo trục đường ven biển; hướn tây bắc - phát triển lên núi, cũng như khai thác thêm không gian trên cao và không gian dưới đáy đại dương, góp phần làm phong phú thêm các tuyến, điểm du lịch. Theo đó sẽ hình thành nhiều hơn các khu du lịch trọng điểm và các tuyến, điểm tham quan. Trong đó khu vực vịnh Hạ Long sẽ hình thành các điểm tham quan chủ yếu, hạn chế phát triển các khu lưu trú, nghỉ dưỡng, bằng việc xây dựng các khu tham quan như: khu du lịch tâm linh - huyền thoại đảo Đầu Gỗ; khu vui chơi giải trí - lưu trú đảo Bồ Hòn; khu du lịch sinh thái nhân văn đảo Hang Trai, Đầu Bê… Khu vực phía tây TP. Hạ Long sẽ gồm: khu lưu trú - dịch vụ Bãi Cháy; khu du lịch tổng hợp Hùng Thắng; khu du lịch sinh thái Đồn Điền... Phía đông thành phố sẽ là các khu di tích lịch sử núi Bài Thơ; khu tham quan phố cổ Hòn Gai, khu bảo tàng Than Hà Lầm. Gắn liền với các khu du lịch là các tuyến du lịch được đa dạng hoá hơn nữa, gồm cả trên bờ, trên biển và trên núi. Với việc phát triển các khu, điểm, tuyến du lịch đồng bộ sẽ tạo ra diện mạo mới cho  du lịch TP. Hạ Long cả về không gian và cảnh quan kiến trúc đô thị.

Báo Quảng Ninh