Đóng góp của du lịch vào GDP
Cập nhật: 20/07/2012
Thực tế cho thấy, ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể và hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa,... của đất nước.

Có những quốc gia tùy thuộc vào đặc điểm địa chính trị của nước mình, đã thực sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và công cụ cứu cánh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kích thích các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì ý nghĩa to lớn như vậy, các quốc gia này, ở  phạm vi và mức độ khác nhau, đã tập trung đầu tư mọi nguồn lực cũng như ban hành các thể chế, chính sách liên quan nhằm nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành du lịch phát triển. Mặc dù vậy, xuất phát từ sự đặc thù của ngành du lịch mang đậm nét tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, nên bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển. Một trong những hạn chế có tác động rõ rệt và mang tính quyết định đó là sự thừa nhận về vị trí, vai trò của du lịch và khả năng nhận hỗ trợ từ các ngành kinh tế khác, các chủ thể kinh tế, xã hội và đặc biệt từ các cấp quản lý, lãnh đạo trung ương cũng như địa phương chưa thực sự mãnh mẽ và rõ rệt.  

Khi nhìn dưới góc độ kinh tế - xã hội, du lịch luôn là một ngành có tính trường tồn và bền vững cao so với các ngành kinh tế khác. Nguyên do vì, các nguồn tài nguyên du lịch dưới dạng vật thể và phi vật thể theo quy luật chung luôn được coi là hữu hạn, thì bên cạnh đó còn một số hợp phần khác cũng cần phải được tính đến. Chúng được khéo léo ẩn và tích tụ trong các “chuỗi dịch vụ” để hình thành nên các sản phẩm du lịch và thậm chí tồn tại trong cả những đối tượng sử dụng dịch vụ - đó là những “người khách du lịch”.  Những yếu tố này là tác nhân không thể thiếu được để tạo ra cầu cho hoạt động du lịch, hay có thể xem là “nguồn tài nguyên du lịch” vô cùng to lớn và bất tận. Bởi lẽ, trong thế giới ngày càng phát triển với tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc, giao thông thuận tiện, phương tiện truyền thông tiện ích, và mặc dù có thể bị tác động bởi các yếu tố khách quan và chủ quan như thiên tai, chính biến, chiến tranh, khủng bố,... nhưng nhu cầu đi lại, giao lưu văn hóa, đầu tư, thương mại,... giữa các quốc gia, vùng miền không những không dừng lại mà vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Điều này kéo theo các nhu cầu dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng gia tăng. Trong khi, các nguồn tài nguyên khác như tự nhiên, nhân tạo, tái tạo phục vụ cho các ngành kinh tế khác ngày càng suy giảm và có thể đứng trước nguy cơ cạn kiệt bởi nhu cầu khai thác, sản xuất, chế biến và tiêu thụ của con người và toàn xã hội ngày càng phát triển.

Theo công bố mới đây tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch G20 vừa diễn ra ngày 16 tháng 5 năm 2012 tại Mexico, ngành du lịch chiếm 9% thu nhập GDP thế giới. Du lịch là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất. Năm 2011, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tăng trưởng không lấy gì làm tốt đẹp và ổn định, ngành du lịch toàn thế giới vẫn tăng 4,6%, đón được 982 triệu lượt khách và thu nhập du lịch tăng 3,8%. Dự báo du lịch thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng một cách bền vững trong những năm tới, đạt 1 tỷ lượt khách trong năm 2012 và 1,8 tỷ lượt năm 2030.

Bên cạnh những chỉ số đóng góp ấn tượng trên, du lịch cũng được đánh giá là ngành quan trọng tạo nhiều việc làm cho xã hội, chiếm 8% lao động toàn cầu. Cứ mỗi một việc làm trong ngành du lịch ước tính tạo ra 2 việc làm cho các ngành khác. Ngành du lịch cũng sử dụng lao động nhiều vượt trội so với ngành công nghiệp khác, gấp 6 lần ngành sản xuất ô tô, gấp 4 lần ngành khai khoáng, và gấp 3 lần ngành tài chính. Du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy mậu dịch quốc tế. Năm 2011, xuất khẩu thông qua du lịch quốc tế bao gồm cả vận chuyển hành khách đạt 1,2 nghìn tỷ USD, chiếm 30% xuất khẩu toàn thế giới.

Với những phân tích trên, có thể thấy vai trò và ý nghĩa quan trọng của ngành du lịch không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại những khiếm khuyết khi đánh giá về giá trị đóng góp thực sự của ngành du lịch trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, việc xác định rõ sự đóng góp và tác động tích cực của nó vào bức tranh chung của nền kinh tế của mỗi quốc gia cũng như toàn cầu là vô cùng cần thiết, qua đó thấy được ý nghĩa cốt lõi của vấn đề cần xem xét, để có cái nhìn tích cực hơn về du lịch và vạch ra phương hướng đầu tư, phát triển một cách hiệu quả hơn. Với cách tiếp cận theo hướng trên, dưới đây là phương thức và tiêu chí đánh giá đóng góp của ngành du lịch vào GDP quốc gia để tham khảo khi đánh giá hiệu quả của ngành du lịch.

Tổng giá trị đóng góp du lịch vào GDP của quốc gia gồm:

Đóng góp trực tiếp (1) + Đóng góp gián tiếp (2) + Đóng góp phát sinh (3).

(1). Đóng góp trực tiếp: Tổng chi tiêu (trên phạm vi quốc gia) của khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa (cả mục đích kinh doanh và nghỉ dưỡng), chi tiêu của Chính phủ đầu tư cho các điểm tham quan như công trình văn hóa (bảo tàng) hoặc các khu vui chơi giải trí (công viên quốc gia); thu nhập của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, vận chuyển (đường bộ, đường không, đường thủy,..), cầu cảng, sân bay, dịch vụ vui chơi giải trí, các điểm tham quan du lịch, các cửa hàng bán lẻ, các khu dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí. Trừ phần chi phí mà các cơ sở cung cấp dịch vụ này mua các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để phục vụ cho khách du lịch.

(2). Đóng góp gián tiếp:               

+ Chi tiêu đầu tư vật chất cho du lịch: Ví dụ như đầu tư mua máy bay mới, xây dựng khách sạn mới;

+ Chi tiêu công của chính phủ: ví dụ như đầu tư kinh phí xúc tiến, quảng bá, hàng không, chi phí cho công tác quản lý nhà nước chung, chi phí cho phục vụ an toàn an ninh, vệ sinh môi trường...

+ Chi phí do các đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ mua sắm trong nước đối với hàng hóa, dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Ví dụ: chi phí mua sắm thực phẩm, dịch vụ giặt là trong khách sạn, chi phí mua xăng dầu, dịch vụ cho hàng không, dịch vụ tin học, kết nối mạng trong các hãng lữ hành...

(3). Đóng góp phát sinh: Đây là khoản chi tiêu cá nhân của tổng đội ngũ, lực lượng lao động tham gia cả trực tiếp và gián tiếp vào ngành du lịch trên toàn quốc, gồm cả các cấp quản lý nhà nước và cơ sở cung cấp dịch vụ, hãng lữ hành, khách sạn...

Ví dụ: Chi tiêu cho ăn uống, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm quần áo, vật dụng cá nhân, nhà ở...

Với cách tính trên, theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, năm 2012, giá trị đóng góp trực tiếp vào GDP của ngành du lịch Việt Nam sẽ tăng 6,6% so với năm 2011 và sẽ tăng bình quân 6,1% hàng năm tính đến năm 2022; tổng giá trị đóng góp của toàn ngành (trực tiếp, gián tiếp và phát sinh) vào GDP tăng 5,3% năm 2012 và sẽ tăng bình quân 6,0% tới năm 2022. Về tạo việc làm, năm 2012, tổng lao động trong ngành du lịch Việt Nam tăng 1,4% tương đương 4.355.000 gồm cả lao động trực tiếp và gián tiếp và sẽ tăng trung bình 1,1% hàng năm và sẽ đạt 4.874.000 vào năm 2022. Về xuất khẩu du lịch tại chỗ trong năm 2012, tăng 5% và bình quân tăng 6% hàng năm, tới năm 2022 đạt 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Về đầu tư du lịch trong năm 2012 sẽ tăng 0,5%, trong vòng 10 năm tới con số này sẽ đạt 7,7% trong tổng đầu tư toàn quốc.

Với những chỉ số dự báo ấn tượng và khả quan trên, có thể thấy ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. Đó là dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên cũng còn phải đương đầu với không ít thách thức và khó khăn phía trước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, phức tạp hơn và không chỉ giới hạn ở phạm vi cấp quốc gia mà còn lan tỏa trên toàn khu vực. Để có thể phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, bên cạnh nỗ lực của riêng bản thân ngành du lịch, rất cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ tất cả các cấp, các ngành. Trong đó cần phải có đột phá ngay từ khâu nhận thức về du lịch, mọi quyết định phát triển du lịch cần phải nâng lên thành quyết tâm và ý chí chính trị cấp quốc gia. Du lịch Việt Nam đã bước ra khỏi giai đoạn phát triển ban đầu và đang tiến vào giai đoạn chuyển tiếp trước khi bứt phá. Toàn ngành du lịch, trực tiếp đối với các cấp quản lý nhà nước về du lịch, từ trung ương tới địa phương, cần phải chủ động nghiên cứu, bám sát diễn biến của thị trường, nhạy bén hơn nữa với những biến động của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước và quốc tế. Nghiên cứu đề xuất áp dụng các công nghệ hiện đại vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt về tài khoản vệ tinh du lịch, qua đó sẽ giúp công tác dự báo xu hướng thị trường và đánh giá chính xác hơn về hiệu quả và vai trò đóng góp của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, đề xuất các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, quy hoạch du lịch phù hợp và khả thi, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Với những định hướng cơ bản trên, nếu vận dụng và thực thi tốt, chắc chắn sẽ tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy ngành du lịch phát triển theo hướng chất lượng, bền vững, đạt mục tiêu đề ra.

Phạm Quang Hưng

Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT - TCDL