Hà Nội: Để phố đi bộ Sơn Tây thành "điểm hẹn" cuối tuần
Cập nhật: 03/04/2023
Theo UBND thị xã Sơn Tây, sau gần 1 năm hoạt động, đến nay, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút trên 42 vạn lượt khách, trung bình mỗi tối hoạt động thu hút gần 1 vạn lượt khách, cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách.

Phát huy giá trị Thành cổ

Tuyến phố đi bộ quanh hào Thành cổ Sơn Tây chính thức khai trương và đi vào hoạt động từ tối 30/04/2022. Tuyến phố có tổng chiều dài 820m, diện tích sử dụng 34.550m2 kéo dài từ cổng cũ trụ sở UBND thị xã (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã 3 Quang Trung - Nguyễn Thái Học). Thời gian hoạt động từ 19h đến 22h tối thứ bảy hằng tuần. Đây là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn và là tuyến phố đi bộ tại ngoại thành đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.

UBND thị xã Sơn Tây cho biết, trong thời gian gần 1 năm hoạt động, địa phương đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, góp phần cải tạo cảnh quan khu vực bên trong Thành cổ. Ban quản lý tuyến phố đi bộ thành cổ Sơn Tây cũng nuôi 80 đôi chim bồ câu từ nguồn xã hội hóa và đã huấn luyện, gây đàn để hình thành và phát triển “Đàn chim thành cổ Sơn Tây”, tạo điểm nhấn cho phố đi bộ.

Bên cạnh đó, Ban quản lý còn thả 500 con cá koi và cá chép vào hai giếng ngọc tạo cảnh quan; lắp 2 điểm quét mã QR với giao diện 360 độ tại 2 cổng Thành cổ giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây, trang trí 250 đèn lồng khu vực đường dạo, triển khai số hóa gần 300 cây xanh trong khu vực Thành cổ…

Theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ, gần tròn 1 năm hoạt động, tuyến phố đi bộ Sơn Tây đã tạo được điểm đến hấp dẫn vào cuối tuần cho người dân, góp phần tăng thêm hoạt động trải nghiệm cho du khách ở Sơn Tây và các vùng lân cận. Rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao ngoài trời, các trò chơi dân gian tổ chức tại đây đã tạo được không gian văn hóa, du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, hoạt động của phố đi bộ cũng giúp cho đời sống của người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế nội thị. Trung bình, doanh thu mỗi hộ tối thứ bảy tuần ước tính khoảng 2 - 3 triệu đồng.

Nghiên cứu mở rộng để hút khách

Mặc dù đã tạo được điểm đến vui chơi cho người dân ở Sơn Tây và những vùng lân cận, nhưng tuyến phố đi bộ Sơn Tây vẫn bộc lộ không ít hạn chế như: Những hoạt động văn hóa, giải trí chưa phong phú; công tác vệ sinh môi trường tại một số vị trí chưa được giải quyết triệt để; các không gian mua sắm, không gian ẩm thực đường phố còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách...

Tuyến phố đi bộ Sơn Tây trở thành điểm hẹn của nhiều người dân và du khách vào cuối tuần ở khu vực ngoại thành Hà Nội.

Để phát huy hơn nữa tuyến phố đi bộ thành cổ Sơn Tây, tăng hiệu quả đón khách, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Nguyễn Đăng Thạo cho biết, đơn vị đang nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao ngoài trời; giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương nhiều hơn nữa trong thời gian tới; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tuyến phố đi bộ.

“Chúng tôi đang đề nghị thành phố và các sở, ngành quan tâm ưu tiên tổ chức các sự kiện lễ hội du lịch, văn hóa, thể dục - thể thao mang tầm cỡ thành phố tổ chức tại phố đi bộ Sơn Tây nhằm thu hút khách du lịch đến với Sơn Tây”, ông Nguyễn Đăng Thạo thông tin.

Còn theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ, thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và nhân dân về việc mở rộng phạm vi tuyến phố để gắn việc phát huy giá trị của tuyến phố đi bộ với phát triển kinh tế đêm. Ngoài ra, địa phương đang nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức thêm các khu ẩm thực đêm, khu vui chơi mua sắm tại các tuyến phố lân cận nhằm hình thành các không gian liên hoàn gắn với không gian tuyến phố đi bộ hiện có, đầu tư hạ tầng, cảnh quan.

“Để đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, hấp dẫn du khách hơn, tới đây, thị xã Sơn Tây sẽ triển khai hoạt động tuyến xe điện phục vụ nhân dân và du khách, kết nối hoạt động của tuyến phố đi bộ với các điểm di tích trọng điểm như: Di tích làng cổ Đường Lâm, đền Và, Văn Miếu và các làng nghề, khu nghỉ dưỡng tại khu vực phía Tây như Glory, khu vực phía Nam như: Làng Mít, Sân golf Đồng Mô, Thảo Viên, Quảng Tây resort…”, đồng chí Ngô Đình Ngũ cho biết.

Hoàng Lân

Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 03/04/2023