Trung tuần tháng 9 vừa qua, Tổ chức Tre thế giới đã chọn Làng tre Phú An - Bình Dương để tổ chức Hội thảo Tre thế giới lần thứ 4 năm 2022 (World Bamboo Work Shop).
Hội thảo xoay quanh các nội dung: giới thiệu các loài tre của Việt Nam và thế giới; kinh nghiệm bảo tồn và nhân giống tre của nhiều quốc gia; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre; ứng dụng cây tre trong kiến trúc và xây dựng; chiến lược phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng cây tre nhằm giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính trên hành tinh hiện nay… Đặc biệt, nhân dịp này Tổ chức Tre thế giới còn mời nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ giao lưu văn hóa - nghệ thuật liên quan đến cây tre trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày.
Hai anh em nghệ nhân, nghệ sĩ Nguyễn Trường và Nguyễn Đức (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) được mời tham gia phần giao lưu văn hóa - nghệ thuật nói trên. Tại đây, họ đã có cơ hội trình diễn và quảng bá “một thế giới âm nhạc” lạ lẫm và kỳ thú được sáng tạo từ tre nứa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Từ các nhạc cụ truyền thống: Chinh kram, ching đing aráp, đing tạc tà, đing pơng, đing tút, đing năm, đing ring, sáo vỗ… đến những nhạc cụ được chế tác, sáng tạo mới như chinh kram cộng hưởng, guitare và viola tre được hai nghệ nhân trình diễn, giới thiệu đầy đủ, sinh động đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế, khiến tất cả mọi người ngạc nhiên và thích thú.
Bạn bè trong nước và quốc tế thưởng thức, trải nghiệm với nhạc cụ tre nứa. Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Nguyễn Trường chia sẻ, cây đàn viola tre được anh kỳ công chế tác, sáng tạo trong hơn hai năm qua đã cuốn hút mọi người thưởng lãm. Ông Michel Abadie, Giám đốc Tổ chức Tre thế giới thốt lên: “Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ của những người yêu tre, mà còn là khoảnh khắc để mọi người cảm nhận trực tiếp sự đổi mới của một liên minh tự nhiên giữa con người với cây tre, nhất là trong đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng, dân tộc. Ở đây, hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này, qua bàn tay của con người đã cho thấy cây tre cùng đồng hành với chúng ta trong quá trình phát triển - từ kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) để dần hướng tới một thế giới tốt đẹp, ý nghĩa hơn. Cây đàn viola tre của nghệ nhân Nguyễn Trường đã chứng tỏ điều đó một cách sinh động và sâu sắc”.
Nghệ nhân Nguyễn Đức hướng dẫn cách diễn tấu đàn T'rưng cho khách quốc tế. Ảnh: NVCC
Tại buổi trình diễn, rất nhiều bạn bè quốc tế thích thú, say mê tìm hiểu và trải nghiệm cùng nhạc cụ độc đáo, “có một không hai” này. Anh giới thiệu với mọi người: Về mặt hình thức, viola tre rất mới lạ so với các nhạc cụ trong dàn nhạc dân gian được chế tác bằng chất liệu tre nứa truyền thống. Âm thanh đồng chất tre nứa của cây đàn này đã được đẩy đi xa hơn, chạm đến biên độ âm nhạc hiện đại như violin cello của phương Tây. Nó cũng là một loại nhạc cụ “cùng họ” với violin, hay nói theo cách đơn giản nó là đàn violin được phóng to hơn để tạo nên một số nốt trầm mà violin phương Tây không thể thực hiện được. Còn về sắc thái, trường độ và âm vực thì với sáng tạo này đã giải quyết được âm trầm và ngân kéo dài trong các tác phẩm âm nhạc truyền thống, mà các nhạc cụ tre nứa khác phải sử dụng kỹ thuật tremolo vẫn có độ ngắt quãng, không liền âm được như viola tre nhờ tiếng rung (vibrato) của nó ngân vang trên mọi trường độ, cao độ khi diễn tấu.
Nhạc cụ viola tre có thể sử dụng để độc tấu, hòa tấu với đầy đủ tính năng của một nhạc cụ phương Tây, đáp ứng nhu cầu của những người đam mê âm nhạc dân gian, cổ điển lẫn hiện đại. Và điều đó đã được anh em nhà Nguyễn Trường, Nguyễn Đức (cùng vợ là chị Huyền Diệu) hòa âm với nhiều nhạc cụ khác như chinh kram, ching đing aráp, đing tạc tà, đing pơng, đing tút, đing năm, đing ring, sáo vỗ… tạo nên “bữa tiệc” âm nhạc đa sắc màu của người Tây Nguyên tại Làng tre Phú An - Bình Dương.
Nghệ nhân Nguyễn Đức hào hứng kể thêm: Cùng với cây đàn viola tre của Nguyễn Trường, thì những chiếc ching kram cộng hưởng của anh sáng tạo mới (bằng cách gộp cả hai ching/thanh tre và ống cộng hưởng lại thành một trên bộ khung nhẹ nhàng, để vừa có chức năng nâng đỡ thanh ching, vừa là tay cầm nâng lên, đặt xuống và di chuyển tùy thích trong quá trình diễn tấu) đã khiến khán giả mê đắm, cùng tham gia diễn xướng, hòa nhịp với đàn viola tre, đing pơng, đinh tút và sáo vỗ. Trong không gian ấy, mỗi người một chiếc ching kram cải biến tha hồ tung hứng và nhảy múa, chứ không còn ngồi yên một vị trí để diễn tấu như ching kram truyền thống. Nhờ thế không gian nghệ thuật ở đây trở nên tươi mới, rộn rã và lan tỏa hơn giữa người biểu diễn và người thưởng lãm.
Đình Đối