Quảng Nam: Những chuyến đi ''chơi mà học''
Cập nhật: 19/10/2022
Đã bao giờ du khách tò mò về một chuyến đi vừa được rong chơi và còn tiếp nhận những kiến thức giá trị? Đến với Quảng Nam, ắt hẳn du khách sẽ bất ngờ với những trải nghiệm thú vị như vậy.

Một đoàn khách tìm hiểu quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ từ nông dân địa phương. Ảnh: Q.T

Lớp học giữa thiên nhiên

Một sáng cuối tuần, hàng chục sinh viên quây quần bên chiếc bàn tre thảo luận sôi nổi. Họ cặm cụi phác thảo những hoạch định về bảo vệ môi trường, tăng cường đa dạng sinh học sau khi thực địa trong rừng dừa, trên ruộng lúa… Trong số này có không ít sinh viên sinh ra từ phố, lần đầu trong đời tận mắt chứng kiến quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ hay đời sống của sinh vật vùng nước lợ.

 Là đơn vị có hẳn thỏa thuận hợp tác ghi nhớ với Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An để thúc đẩy xu thế này, TS. Bùi Bích Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nói, từ trước đến nay, sinh viên chủ yếu sinh hoạt trong không gian nhà trường với giảng viên. Các sinh viên kể cả nhà khoa học của trường rất cần không gian học tập từ “giảng đường của tự nhiên” như tại TP.Hội An.

“Nơi đó chúng tôi không chỉ làm thầy mà có những “đồng nghiệp” mới chính là những nông dân. Chúng tôi có tri thức khoa học, còn nông dân có tri thức bản địa. Khi kết nối, tiếp thu hài hòa giữa hai luồng tri thức này thì người học sẽ toàn diện hơn rất nhiều” - TS. Hạnh cho biết thêm.

Chỉ riêng với các cơ sở đào tạo giáo dục, từ năm 2018 đến năm 2021, đã có khoảng 1.500 sinh viên đến du lịch nghiên cứu, tham quan học tập tại Cẩm Thanh thông qua dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An”. Từ điểm lõi này, mạng lưới “giảng đường thiên nhiên” tỏa đi đến làng rau Trà Quế, chợ cá Duy Hải…

Du khách quốc tế trải nghiệm chương trình “Cooking Class” học nấu ăn tại Hội An.

Những chuyến du lịch “chơi mà học” không chỉ khu biệt cho đối tượng sinh viên. Và những người làm du lịch cũng nhìn thấy cơ hội từ loại hình du lịch này dù trước đây thiên nhiều hơn về trải nghiệm. Hội An từ lâu đã nổi tiếng với các tour “một ngày làm nông dân”, “cooking class - lớp học nấu ăn” cho khách quốc tế.

Mới đây, hàng chục du khách người Đức đã đến làng Cẩm Phú (Gò Nổi) để tìm hiểu cách phân loại, tái chế rác hữu cơ nông thôn cũng như cách canh tác nông nghiệp bền vững của nông dân ở làng.

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel cho hay: “Những chuyến du lịch đơn thuần đến Hội An đã trở nên nhàm chán thì du khách, nhất là khách ở các đô thị rất cần không gian để trải nghiệm, học tập ở làng. Khi đó, trẻ em có thể học cách làm, thả diều, bắt cá, còn phụ nữ có thể học cách nấu ăn truyền thống, xử lý rác hữu cơ… những kiến thức, trải nghiệm trên đều rất hữu ích hoặc quý giá đối với mỗi người”.

Mơ về mạng lưới du lịch học tập

Theo đề án phát triển du lịch Hội An giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, du lịch giáo dục học tập là một trong số loại hình được thành phố chú trọng.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, theo kế hoạch TP.Hội An sẽ triển khai thành lập trung tâm du lịch học tập cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở du lịch học tập nông nghiệp, nhiều lĩnh vực khác tại địa phương có thể xúc tiến triển khai tốt loại hình này như môi trường, bảo tồn, làng nghề…

Theo bà Nguyễn Thị Kim Nguyên - chuyên gia phát triển các sản phẩm du lịch (Viện Phát triển công nghệ xanh), khách học tập trải nghiệm là loại hình còn khá mới mẻ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và chưa được khai thác bài bản.

Dư địa khách du lịch học tập rất nhiều bởi từ năm 2018, Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT đã quy định hoạt động trải nghiệm học tập cộng đồng đối với học sinh các cấp là hoạt động bắt buộc.

Hiện tại khu vực chưa có chương trình du lịch học tập bài bản để đón đầu xu thế này. Khu vực phía nam Quảng Nam có hệ thống giá trị văn hóa, tự nhiên rất lớn trong khi lại đang loay hoay tìm hướng đi để du lịch có sự đột phá thì loại hình này rất có triển vọng.

Từ “hạt nhân” là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, du lịch học tập đang lan tỏa rộng rãi hơn ra nhiều không gian, lĩnh vực. Nhìn về hai địa phương tiếp giáp, các mô hình du lịch học tập cộng đồng tại Hòa Bắc, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng); đảo Bé, Lý Sơn và Gò Cỏ, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cũng đang dần có chỗ đứng trong lòng du khách. Bên cạnh thương hiệu con đường du lịch di sản, tại khu vực Trung Bộ dường như dần hình thành mạng lưới điểm đến du lịch độc đáo khác, đó chính là du lịch học tập.

Phạm Quốc

 

Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 18/10/2022