Nơi lưu giữ kho tàng quý giá của Phật giáo Huế
Cập nhật: 16/09/2022
Hàng ngàn hiện vật bao gồm mộc bản Phật giáo, đầu sách liên quan đến triết học, văn học, Phật học cũng như các ngành liên quan đến xã hội nhân văn, tư liệu ghi âm về các sự kiện Phật giáo Huế… sau rất nhiều năm được Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế dày công sưu tầm cũng như được hiến tặng lần đầu tiên chính thức công bố, khiến công chúng ngỡ ngàng.

Kho tư liệu quý này vừa được trưng bày, mở cửa đón công chúng nhân sự kiện ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ đặt tại cơ sở 1 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, 109 Minh Mạng, TP. Huế.

Trong số hơn 800 ván khắc mộc bản Phật giáo có nhiều ván khắc có niên đại xưa, quý hiếm

Tư liệu quý giá về Phật giáo Huế

Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ vừa ra mắt với hai không gian ban đầu, nhưng tư liệu được xếp vào hạng vô cùng quý hiếm liên quan đến Phật giáo Huế. Đó là không gian lưu trữ mộc bản Phật giáo và tủ sách thư viện gia đình.

Được bày biện một cách khoa học và bài bản, không gian lưu trữ mộc bản Phật giáo khiến nhiều người khi bước vào đây không khỏi trầm trồ. Không gian mộc bản này vốn được lưu trữ tại chùa Từ Đàm trước đây với hơn 800 tấm và hơn 1.300 mặt khắc, đa dạng chủng loại như kinh, luật, luận, trước tác, phái điệp, quy y - thế độ, tranh đồ họa cổ…

Đây được xem kho mộc bản lớn nhất của phật giáo xứ Huế, được tích hợp đa niên đại trải dài từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX và được sưu tầm từ các tổ đình và cổ tự danh tiếng xứ Huế như chùa Kỳ Viên, Đức Sơn, Thiền Lâm, Viên Thông, Thuyền Tôn, Báo Quốc, Bảo Lâm, Ba La Mật... Đáng chú ý trong số đó, có ván khắc Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh (thời chúa Nguyễn Phúc Chu) – ván khắc có niên đại xưa của Phật giáo xứ Huế và miền Trung được tìm thấy tính tới thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, không gian tủ sách thư viện gia đình là nơi đặt tủ sách do các gia đình phát tâm hiến tặng với hàng ngàn đầu sách, tạp chí quý liên quan đến triết học, Phật học, văn học và các ngành xã hội nhân văn trước năm 1975. Ngoài sách, các gia đình còn hiến tặng các tư liệu ghi âm về các sự kiện Phật giáo, thuyết giảng, âm nhạc Phật giáo (tân nhạc và lễ nhạc truyền thống Phật giáo Huế)…

Thượng tọa – Tiến sĩ Thích Không Nhiên, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ cho biết, hiện đã có 5 gia đình phát tâm hiến tặng tủ sách cho trung tâm. Những tủ sách vô cùng quý hiếm, được các gia đình gìn giữ một cách cẩn trọng trong một thời gian dài.

Gia đình Phật tử Trần Phụ Trác (phường Thuận Hòa, TP. Huế) là một trong 5 gia đình đã hiến tặng tủ sách cho trung tâm, với khối lượng sách đồ sộ hơn 1.800 đầu sách, trên 2.900 quyển. Đó là những cuốn sách vô cùng quý giá được ông Trác sưu tầm, tích cóp trong quãng đời từ khi đi học, đi dạy và cho đến khi về hưu.

Sẽ mở thêm không gian trưng bày liên quan

Anh Trần Phụ Tuân (con trai ông Trác) nói rằng, ba mình quan niệm sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là tài sản chung nên đã bàn bạc với các con và đi đến thống nhất hiến tặng tủ sách cho trung tâm. Hy vọng, tủ sách này sẽ chia sẻ tri thức đến với các thế hệ hiếu học và thích khảo cứu sau này.

Theo Thượng tọa Thích Không Nhiên, không dừng lại ở hai không gian này, sắp tới trung tâm tiếp tục cho mở thêm các không gian trưng bày, lưu trữ về pháp tượng – pháp khí, điển tịch, văn liệu cổ Phật giáo, lưu trữ tư liệu số hóa… Đặc biệt, sẽ chuyển toàn bộ tư liệu số hóa của tập san Liễu Quán được sưu khảo trong 10 năm qua để lưu trữ tại không gian này.

Hòa thượng Thích Hải Ấn – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ nói rằng, sự ra đời của trung tâm hướng tới việc quy tập, lưu trữ, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, tư liệu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của tăng ni và toàn xã hội.

“Không dừng lại đó, trung tâm còn là nơi kết nối các thành phần học giới, các trường Phật học, các trung tâm giáo dục, văn hóa, lưu trữ ở trong nước cũng như khu vực, thông qua các hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật… Từ đó, giới thiệu giá trị di sản, tư liệu văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa Phật giáo Huế đến với đại học giới trong nước lẫn quốc tế”, Hòa thượng Thích Hải Ấn chia sẻ.

Dấu mốc quan trọng của giới văn hóa, nghiên cứu

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã nhấn mạnh như thế khi nói về sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

Ông Phan Ngọc Thọ nhắc lại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Tỉnh xác định sẽ phát triển nhanh trên nền tảng tri thức và bền vững trên nền tảng văn hóa. Và trong dòng chảy văn hóa Việt Nam không thể thiếu văn hóa Phật giáo. Văn hóa Phật giáo đã hòa quyện trong dòng chảy ấy để tạo nên những bản sắc dân tộc Việt Nam và bản sắc văn hóa Huế. Vì thế, theo ông Phan Ngọc Thọ, chúng ta cần nỗ lực để giữ gìn bản sắc đó.

Nói thêm về sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ, cá nhân ông Phan Ngọc Thọ bày tỏ sự cảm kích và vui mừng. Ông cho rằng, đây là tiền đề rất quan trọng để thành lập trung tâm nghiên cứu Phật giáo tầm quốc gia và bảo tàng Phật giáo Việt Nam tại Huế trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: Nhật Minh

 

 

Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 16/9/2022