Tăng kết nối các điểm đến du lịch về nguồn
Cập nhật: 05/09/2022
Vùng An toàn khu (ATK) trải dài ở ba tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn gắn với nhiều sự kiện lịch sử, hoạt động của Bác Hồ, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ðây không chỉ là "địa chỉ đỏ" về nguồn mà còn sở hữu tiềm năng du lịch lịch sử to lớn.

Quảng bá du lịch tại ATK Chợ Ðồn, huyện Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh Hà Tuyết)

Thời gian qua, ba tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển du lịch về nguồn tại ATK gắn với du lịch sinh thái, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, ý nghĩa. Tuy nhiên, sự liên kết giữa ba khu ATK vẫn chưa tương xứng.

Khai thác tiềm năng điểm đến

Vùng ATK ở ba tỉnh với nhiều địa danh nổi tiếng đã ghi vào lịch sử, đi vào thơ ca. Ðó là ba khu di tích quốc gia đặc biệt, gồm: ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) và ATK Chợ Ðồn (Bắc Kạn). Những địa danh này là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Trung ương Ðảng, Bác Hồ đã đưa ra nhiều quyết sách liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Vì những lý do đó, ba di tích quốc gia đặc biệt và vùng phụ cận trở thành điểm đến về nguồn, có tiềm năng to lớn về du lịch lịch sử cần được bảo tồn, phát huy. Về với ATK những ngày tháng 8, không khó để bắt gặp các đoàn khách đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tới tham quan di tích với niềm tôn kính, tri ân để cảm nhận được một thời cha ông ta đã chiến đấu gian lao, vất vả ra sao. Trong số ba khu di tích ATK thì Ðịnh Hóa và Tân Trào là hai nơi có bước tiến vượt bậc trong tôn tạo, tu bổ.

Tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư nhiều dự án và kêu gọi nguồn lực xã hội hóa nhằm bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch, kinh tế vùng. Ban quản lý Khu di tích lịch sử-sinh thái ATK Ðịnh Hóa thường xuyên nghiên cứu, tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến những năm tháng Bác Hồ, các nhà cách mạng tiền bối ở và lãnh đạo kháng chiến tại ATK Ðịnh Hóa. Ban tổ chức chỉnh lý, bổ sung nội dung trưng bày tại Bảo tàng ATK nhằm giới thiệu về lịch sử cách mạng kháng chiến giai đoạn 1946-1954; tổ chức nhiều triển lãm về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ nhằm phục vụ du khách về nguồn. Việc phát huy bản sắc văn hóa bản địa, con người thân thiện, mộc mạc, mến khách được thông qua các hoạt động "Trải nghiệm về nguồn ATK Ðịnh Hóa, Thủ đô gió ngàn". Từ đầu năm 2022 đến nay, có 80 nghìn du khách thăm ATK Ðịnh Hóa, tăng 30% so với cùng kỳ.

Với hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa, Tuyên Quang được đánh giá là "bảo tàng sống", là kho tư liệu vô giá của lịch sử Ðảng và lịch sử cách mạng Việt Nam. Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030. Theo đó, sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, các sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch nội vùng, liên huyện, liên tỉnh và quốc tế... Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Hòa cho biết: Tuyên Quang là vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh... "Ðặc biệt, hệ thống di tích lịch sử cách mạng, hạt nhân là Khu di tích lịch sử quốc gia Tân Trào đã và đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong nước và nước ngoài. Riêng trong tháng 8, hơn 40 nghìn lượt khách đã hành hương về Tân Trào, đưa lượng khách du lịch tới thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt này trong tám tháng năm 2022 lên gần 500 nghìn lượt", ông Hòa nhấn mạnh.

So với Ðịnh Hóa, Tân Trào thì ATK Chợ Ðồn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt muộn hơn nên quá trình đầu tư tôn tạo, tu bổ ở đây chưa thật sự xứng tầm. Ðiểm "nghẽn" lớn nhất khiến du khách ngại đến đây là vì giao thông quá cách trở, đường hư hỏng nặng. Từ năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo quốc lộ 3C, tuyến đường độc đạo đi xuyên qua ATK Chợ Ðồn. Có đường thông thoáng đã góp phần thu hút lượng khách đến tham quan tăng hơn hẳn. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: Tỉnh đang tích cực hoàn thiện xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Ðồn để trình Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch sẽ là căn cứ để triển khai đầu tư tu bổ, tôn tạo bài bản, phát huy giá trị của các di tích trong khu ATK. Ngoài ra, tỉnh cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Tăng kết nối quá khứ và hiện tại

Ðể tăng cường liên kết, nhất là liên kết khai thác, phát triển du lịch, ba tỉnh đang tập trung triển khai Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên-Tuyên Quang-Bắc Kạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016. Theo đó, phạm vi vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh này có quy mô diện tích khoảng 5.692 km2, là cơ sở đầu tư liên kết cùng phát triển. Trong đó, ba tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối để hình thành các sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mang đến những trải nghiệm đa dạng cho du khách về truyền thống cách mạng, nghiên cứu, trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa tín ngưỡng.

Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy, liên kết du lịch về nguồn giữa ba tỉnh vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Mặc dù là những di tích quốc gia đặc biệt, đã ghi danh trong lịch sử nhưng kết cấu hạ tầng tại ba khu ATK vẫn nghèo nàn, chưa phong phú. Việc thu hút vốn đầu tư chủ yếu vào hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống, các sản phẩm du lịch chưa được đầu tư nhiều, nên còn đơn điệu và trùng lặp. Số lượng các điểm dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí đi kèm còn quá ít, do vậy, các điểm về nguồn thường chỉ là điểm phụ trợ trên hành trình của du khách. Doanh nghiệp lữ hành không mặn mà khi tổ chức các tua du lịch về nguồn vì cơ sở vật chất tại điểm đến còn yếu, chất lượng dịch vụ chưa cao...

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hoạt động liên kết trong xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... giữa các địa phương trong và ngoài khu vực còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả cho nên năng lực cạnh tranh thấp, không phát huy được lợi thế. Ðiểm "nghẽn" lớn nhất khiến kết nối du lịch giữa ba tỉnh chưa tương xứng là kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu. Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử-sinh thái ATK Ðịnh Hóa Bùi Huy Toàn trăn trở: Hiện nay các tuyến đường kết nối giữa các di tích đều nhỏ, hẹp, xuống cấp. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn, thiếu kỹ năng, không chuyên nghiệp, số người sử dụng được ngoại ngữ rất hiếm; liên kết chưa chặt chẽ. Chương trình du lịch qua những miền di sản chưa mang lại hiệu quả thiết thực nên tiềm năng du lịch về nguồn chưa được khai thác, phát huy hiệu quả...

Xác định liên kết phát triển du lịch mang tính "mở", thời gian qua, ba tỉnh đã tập trung kết nối các tua, tuyến du lịch trên hành trình "Qua những miền di sản Việt Bắc". Ðây là hoạt động được tổ chức luân phiên tại sáu tỉnh Việt Bắc gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Chương trình là dịp để các tỉnh vùng Việt Bắc quảng bá về vùng đất và con người, tiềm năng cũng như các sản phẩm du lịch đến với các nhà đầu tư, du khách thập phương.

Ðể đón tiếp, thu hút du khách, Ban quản lý Khu di tích lịch sử-sinh thái ATK Ðịnh Hóa triển khai việc khai thác, sưu tầm tài liệu, hiện vật kháng chiến và hiện vật dân tộc tại huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn); tổ chức các hoạt động "Trải nghiệm về nguồn ATK Ðịnh Hóa-Thủ đô gió ngàn"; phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức chương trình trải nghiệm khám phá, trải nghiệm Núi Hồng; khai trương sản phẩm du lịch bơi mảng tại hồ Nà Nưa; xây dựng tua du lịch kết nối khách du lịch đến với ba tỉnh.Bên vùng phụ cận ATK, ba tỉnh cũng tập trung phát triển các điểm đến du lịch sinh thái để tạo sự đa dạng trong du lịch về nguồn. Vùng phụ cận đã hình thành một số khu, điểm du lịch thu hút khách.

Ðể kết nối, trước mắt tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn nâng cấp, cải tạo đường kết nối từ Ðịnh Hóa đến Chợ Mới và Chợ Ðồn (Bắc Kạn). Trong khi đó, địa phương khó khăn như Bắc Kạn cũng đã quyết tâm kiến nghị và được đầu tư cao tốc hoàn thiện kết nối với Thái Nguyên, tạo hành lang du lịch liên kết vùng. Ðặc biệt từ năm 2022, Bắc Kạn phối hợp với Tuyên Quang mở đường giao thông kết nối du lịch từ Ba Bể đi Na Hang. Việc kết nối được định hướng sẽ mở rộng ra cả vùng miền núi phía bắc và kết nối với vùng Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương, tỉnh đang đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai và đường nối cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang. Khi hoàn thành, sẽ rút ngắn 2/3 thời gian từ Hà Nội lên Tuyên Quang, Hà Giang...

Lê Ðức Nghĩa và Chung Bình Sơn

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 05/9/2022