Đến Tây Bắc, vào mùa nào cũng vậy, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức món bánh chuối dẻo thơm, ngọt ngào khó quên.
Cây chuối được đồng bào Tày vùng Tây Bắc trồng nhiều trong vườn nhà, sườn đồi và chuối cũng mọc tự nhiên trên những đỉnh núi cao ngất. Vì thế, đây là nguyên liệu chính để làm món bánh chuối.Theo đồng bào Tày, các loại chuối như chuối tiêu, chuối gòng, chuối lá… đều được sử dụng để làm bánh chuối. Mỗi loại có một vị thơm ngon riêng.
Để làm nên món bánh chuối, người Tày chuẩn bị khá kỹ nguyên liệu như quả chuối, bột gạo nếp, đường, lạc, vừng, lá chuối. Người ta lấy chuối chín bóc vỏ, thái đôi rồi phơi nắng cho thật khô, sau đó để lên gác bếp, đợi đến ngày gói bánh.
Nguyên liệu thứ hai không thể thiếu đó là lá chuối rừng. Lá hái về phơi cho khô, rồi cất để gói bánh. Theo kinh nghiệm của đồng bào Tày, gói bánh chuối bằng lá chuối rừng phơi khô mới thơm và để được lâu hơn.
Món bánh chuối dẻo thơm của đồng bào Tày vùng Tây Bắc.
Khi gói, người ta xay gạo nếp thành bột nước, để ráo rồi nhào với bột chuối khô cho nhuyễn, sau đó cho vào cối giã thật mịn. Tiếp đến lấy bột ra nặn thành từng cái bánh bằng quả trứng vịt rồi cho nhân lạc đã rang với vừng vào giữa, rắc hạt vừng bên ngoài bề mặt bánh, dùng lá chuối rừng gói lại và cho lên chõ để đồ chín. Thời gian hấp từ 1,5 - 2 giờ là bánh chín.
Bánh chuối thưởng thức vào lúc còn nóng hoặc đã nguội đều rất ngon và đậm đà dư vị. Bánh có độ dẻo hòa quyện giữa bột gạo nếp và bột chuối, có vị ngọt tự nhiên của chuối hòa vào vị thơm nồng của gạo nếp. Khi ăn, bánh có cái giòn lật sật của nhân lạc, vị thơm của vừng và lá chuối rừng. Tất cả hòa quyện tạo nên một dư vị thơm ngon tự nhiên của bánh chuối.
Bánh chuối là món ăn dân dã, đời thường của đồng bào Tày vùng Tây Bắc, và cũng là món bánh được chế biến để dâng cúng tổ tiên, mời khách phương xa.
Nguyễn Thế Lượng