Hòa Bình: Chuyển động mới trong phong trào văn nghệ quần chúng ở Mường Thàng
Cập nhật: 07/12/2021
Dẫu đang hòa cùng nhịp sống hiện đại với công nghệ giải trí nghe, nhìn, nhưng hoạt động văn hóa, văn nghệ vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân. Xác định rõ điều này, những năm qua, huyện Cao Phong không ngừng chăm lo nâng cao chất lượng phong trào văn nghệ quần chúng.

Tiết mục múa trong chương trình nghệ thuật tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh năm 2021 của huyện Cao Phong.

Đã lâu không trực tiếp xem hết một chương trình văn nghệ, nhưng lần này, chúng tôi thực sự bị "cuốn” với chương trình nghệ thuật của huyện Cao Phong tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 2021 của tỉnh. Bởi, chương trình nghệ thuật được dàn dựng, ghi hình, thu thanh công phu với 5 tiết mục ca múa nhạc ca ngợi vùng đất, con người và những nét văn hoá độc đáo của các dân tộc tỉnh Hòa Bình (do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hội diễn năm nay được tổ chức theo hình thức gián tiếp). Bằng lời ca, điệu nhạc, màn múa với sự trợ giúp của những bức tranh phong cảnh là vựa cam, vựa mía, ánh trăng, con suối, cánh rừng, mặt hồ trong xanh phẳng lặng…, chương trình nghệ thuật đã nhen lên niềm tự hào của người dân về vùng đất Mường Thàng nói riêng, Hòa Bình nói chung. 

Đón nhận lời khen cho "đứa con tinh thần”, Giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện Đinh Bá Cầm chia sẻ: Mặc dù Cao Phong không có "nền" về văn nghệ quần chúng (VNQC), vì ít diễn viên, nghệ nhân, kinh phí dành cho hoạt động văn hóa, văn nghệ eo hẹp, nhưng mỗi khi có đợt tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội hay tham gia hội thi, hội diễn của tỉnh, huyện đều chuẩn bị hết sức công phu. Sự đầu tư đó không phải chỉ để ghi điểm, lấy thành tích mà là để đáp ứng kỳ vọng nâng chất và lượng phong trào VNQC trên địa bàn huyện. 

Thực vậy! Xác định rõ hoạt động văn hóa, VNQC có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ thuần phong mỹ tục, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ và phục vụ đắc lực cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau trong cộng đồng, huyện đã dành sự quan tâm đúng mức để thúc đẩy phong trào VNQC từ cơ sở. Theo đó, trong những năm qua, huyện tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về nguồn lực kinh phí và các thiết chế dành cho xây dựng làng văn hóa ở cơ sở để đầu tư cho phong trào. Nhờ sự tích cực tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị chuyên môn, đến nay, phong trào văn hóa, VNQC trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh mẽ với 100% xã, thị trấn có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên. Hiện, Trung tâm VHTTTT huyện hướng dẫn cơ sở thành lập các câu lạc bộ dân vũ, tiến tới mở rộng phong trào dân vũ trong toàn huyện. Đồng thời khảo sát, lập danh sách các nghệ nhân hát thường rang, nghệ nhân chiêng, nghệ nhân sáo ôi… còn sức khỏe, còn nhiệt huyết để đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Hàng năm, Trung tâm VHTTTT huyện phối hợp Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp huyện, cấp xã. Cử cán bộ hướng dẫn và tham dự đầy đủ các hội thi, hội diễn, chương trình giao lưu văn nghệ ở cơ sở. Qua đó nắm bắt, tuyển chọn các hạt nhân có năng khiếu, triển vọng tham gia đội VNQC của huyện. Với cách làm này, những năm gần đây, mỗi lần xuất quân đi tham gia hội thi, hội diễn ở tỉnh, đội VNQC hoặc đội thông tin tuyên truyền của huyện đều được xếp ở vị trí tốp đầu.

Luôn sẵn sàng tập luyện để biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện, xã và giao lưu nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, hoạt động văn hóa, VNQC đã khẳng định được chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng đất Mường Thàng.

Thúy Hằng

 

Báo Hòa Bình