Sáng tạo từ nguồn lực văn hóa của Thủ đô
Cập nhật: 02/12/2021
Việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Để Hà Nội thực sự trở thành “Thành phố sáng tạo”, có thể tận dụng từ nguồn lực văn hóa Thủ đô.

Không gian bích họa phố Phùng Hưng. Ảnh: VGP/Thành Nam

TP. Hà Nội có nguồn lực to lớn để xây dựng thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế mang bản sắc Hà Nội. Trước hết đó là “kho” tài nguyên khổng lồ các giá trị văn hóa truyền thống. Kho tài nguyên này gồm nhiều “nhánh” khác nhau. Trong số 350 làng nghề của Hà Nội, có hàng trăm làng nghề mà thiết kế sáng tạo từ hàng trăm năm qua đã là thế mạnh, như làng gốm Bát Tràng, các làng nghề mây, tre, đan, các làng nghề điêu khắc cổ truyền… Hà Nội có hệ thống di tích phong phú. Trong đó, chỉ riêng di tích Hoàng thành Thăng Long đã là nơi dung chứa nhiều giá trị thiết kế, từ kiến trúc, cho đến nội thất, ngoại thất… Hệ thống hoa văn trang trí tại di tích này hoàn toàn có thể được đúc rút, tái tạo trong những thiết kế hiện đại.

Hà Nội cũng là một trong hai địa phương tập trung đội ngũ các nhà thiết kế lớn nhất cả nước, từ thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật, cho đến các lĩnh vực thiết kế sáng tạo khác. Đây là cơ sở để Hà Nội chuyển hướng phát triển sang các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Tháng 10/2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu. Ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị ghi danh, Hà Nội đã cam kết với UNESCO về xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, hiện thực hóa các sáng kiến xây dựng thành phố sáng tạo.

Mới đây, tại Hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” (trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tổ chức), PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, nhận định: Các chính sách của TP. Hà Nội thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được các trụ cột tài nguyên văn hóa như: Di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng... Mặc dù chưa tạo ra cơ chế để chuyển hóa nhưng các tổ chức công - tư, các đơn vị nghiên cứu đã tạo động lực để Hà Nội đang chuyển mình ở lĩnh vực thiết kế đã góp phần không nhỏ vào việc tái sinh, đánh thức các nguồn tài nguyên văn hóa, tạo nên sự phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên bà Phương cho rằng, Thành phố cần tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, triển khai quyết liệt 6 sáng kiến hành động của Hà Nội đã cam kết với Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê Bros, cho rằng, Hà Nội cần có trung tâm sáng tạo quy mô lớn, ở đó có không gian giải trí, có các tiện ích, có nền tảng công nghệ để mọi người có thể hợp tác, chia sẻ sáng tạo, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư.

Về mặt cơ chế, Hà Nội cần thúc đẩy hợp tác công-tư, thu hút các đơn vị tư nhân đầu tư vào công trình phục vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa. Hà Nội cũng cần có quy hoạch minh bạch, chi tiết các loại hình văn hóa muốn phát triển, định hướng tương lai cho các loại hình đó để nhà đầu tư nắm được thông tin, quyết định cho việc đầu tư.

Ông Lê Quốc Vinh gợi ý, Thành phố cần quan tâm phát triển không gian sáng tạo nhỏ, bởi đối tượng này thường thiếu vốn cũng như các nguồn lực khác, sau đó tiến tới hình thành không gian sáng tạo đúng nghĩa, đúng tầm cỡ.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Việt Nam khẳng định, Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế để xây dựng danh hiệu “Thành phố sáng tạo” trong lĩnh vực thiết kế. Hà Nội là nơi kết tinh và lan tỏa, tập trung nhân lực và vật lực của cả nước. Nhờ đó, Thủ đô có hệ thống các cơ sở văn hóa đa dạng.

“Muốn thúc đẩy danh hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội, Thủ đô cần có 1 cơ chế, để biến nó thành động lực. Trong đó, hình thức hợp tác công-tư trong văn hóa cần được chú trọng. Các hoạt động sáng tạo văn hóa cần dựa vào các công ty tư nhân, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ”, PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Có thể thấy, các không gian sáng tạo sẽ có cơ hội phát triển trong bối cảnh Thành phố có những chuyển đổi về hướng tiếp cận và chính sách thúc đẩy sự phát triển của một thành phố sáng tạo. Khi đó, bản sắc mới của Hà Nội không những thêm phần phong phú mà văn hóa sáng tạo, kinh tế sáng tạo sẽ góp phần phát triển Thủ đô bền vững hơn.

Thành Nam

 

Báo Chính phủ