Vĩnh Phúc: Nét độc đáo trong lễ hội xã Đại Đồng
Cập nhật: 22/10/2021
Lễ hội xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian gồm chuỗi các thực hành văn hóa (tế lễ, hội, tiệc, trình diễn…) của cộng đồng cư dân 2 làng Bích Đại và Đồng Vệ xưa (Đại Đồng ngày nay). Với sự kết tinh, hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, Lễ hội xã Đại Đồng vừa được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.  

Không khí lễ hội rước kiệu uy nghi, hùng tráng tạo nên nét độc đáo trong Lễ hội xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường

Lễ hội xã Đại Đồng được hình thành từ lâu đời nhằm tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Bán Thiên Đại Vương Đinh Thiên Tích, một vị tướng tài thời Vua Hùng thứ 6 có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược và dạy dân trăm nghề nông trang (cày ruộng, cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm…), giúp nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, phồn thịnh.

Lễ hội được duy trì qua các thế hệ, đến nay vẫn được bảo lưu và thực hành khá đầy đủ, gồm lễ hội “trâu rơm bò rạ” (còn gọi là lễ hội Trình nghề) và lễ hội rước kiệu. Lễ hội được tổ chức trên quy mô toàn xã, trong đó, địa điểm trung tâm nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội là đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ và đình Đồng Vệ.

Lễ hội “Trâu rơm bò rạ” diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm. Vào ngày này, chủ tế và các quan viên tế sẽ thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng làng. Nhân dân 2 làng lập thành 2 đội trình nghề, dùng rơm rạ tết thành những con trâu, con bò đồng diễn tại miếu Đồng Vệ.

Người dân hóa trang thành nông dân, thợ rèn, lái buôn, thầy đồ, học sinh… tham gia đồng diễn các hoạt động thường nhật như dắt trâu đi cày, ném mạ, câu ếch, câu cá, cuốc phát bờ, tát nước, dạy học… Lễ hội diễn ra sôi nổi, đem đến không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp đầu Xuân năm mới.

Không kém phần đặc sắc so với lễ hội “trâu rơm bò rạ" là lễ hội rước kiệu. Trước đây, nhân dân Đại Đồng tổ chức rước kiệu 2 lần/năm vào ngày 20 tháng Giêng (ngày sinh của Thánh) và ngày mùng 10 tháng 9 (ngày Thánh xuất cung xem xét dân tình).

Để chuẩn bị cho lễ hội, cách đó vài tháng, dân làng đã lựa chọn chủ tế và các quan viên tế là các bậc cao niên trong làng, hiền lành đức độ, có sức khỏe tốt, gia đình song toàn và không có tang; đồng thời, lựa chọn những thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh, con nhà hiền đức trong làng làm các chân kiệu (người khiêng kiệu).

Trước ngày hội chính, các quan viên làm lễ cúng thần, thực hiện các nghi thức lau rửa ngai kiệu, chồng kiệu, phong cờ, phong y, làm lễ cáo yết xin phép Thành hoàng cho con dân được mở hội.

Kiệu gồm 2 cỗ, một kiệu Văn (8 người rước) và một kiệu Thánh (16 người rước), ngự tại miếu Đồng Vệ. Trên kiệu Văn đặt bản trúc văn, một buồng cau đẹp cùng hương hoa phẩm oản. Trên kiệu Thánh đặt long ngai bài vị, bên ngoài phủ tấm vải lụa đỏ. Sau khi làm lễ, đến đầu giờ chiều, dân làng tổ chức nghi lễ rước kiệu.

Đoàn rước đi theo thứ tự: Cờ lễ, phường bát âm, chấp kích, kiệu Văn, kiệu Thánh, quan viên tế, sau cùng là nhân dân. Kiệu khởi hành từ miếu Đồng Vệ và hạ ở đình Bích Đại. Trên đường đi, đoàn rước kiệu phải tuân thủ theo hiệu lệnh của người cầm trịch (người cầm trống khẩu).

Khi ra khỏi khuôn viên miếu Đồng Vệ và lúc đi qua chùa Thiên Phúc, kiệu quay từ 3 đến 5 vòng. Cả làng phấn khởi, nô nức đi xem hội, cờ bay rợp trời, tiếng chiêng trống nổi lên liên hồi tạo nên không khí uy nghi, hùng tráng. Đoàn rước về đến đình Bích Đại, kiệu hạ ở sân đình. Chủ tế long trọng rước long ngai, bài vị Thánh lên thượng cung, chỉnh đốn khăn áo, bước vào làm lễ tế yên vị. Ngày hôm sau, đoàn rước tập trung tại đình Bích Đại để rước kiệu hoàn cung, thực hiện nghi thức tế yên vị, kết thúc lễ hội.

Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Chu Văn Sang cho biết, Lễ hội xã Đại Đồng thể hiện sự trân trọng, biết ơn của nhân dân đối với công đức của Thành hoàng làng đối với quê hương, đất nước; lột tả sự khát khao cuộc sống đủ đầy, mưa thuận gió hòa, vạn vật được sinh sôi, nảy nở.

Để giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương đã phối hợp các cấp, các ngành kịp thời thực hiện các giải pháp đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Theo đó, từ năm 2014, địa phương xây dựng lại kịch bản lễ hội trên cơ sở kế thừa và phát triển có chọn lọc các yếu tố gốc, đặc trưng của lễ hội truyền thống, sắp xếp diễn trình lễ hội một cách bài bản, phù hợp với nếp sống văn hóa mới, lược bỏ các yếu tố mê tín dị đoan.

Lễ hội được điều chỉnh thời gian tổ chức 2 năm/lần vào các năm chẵn để nhân dân tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Chủ trương này hợp với ý Đảng, lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện tốt trong những năm qua.

Ngoài ra, để đảm bảo đúng quy định về thời gian, lộ trình rước, các thành viên đội rước kiệu được phổ biến, quán triệt đầy đủ các quy định, không giao chân kiệu cho người khác thay thế trong suốt lộ trình. Điều này nhằm ngăn chặn việc kiệu được rước ra ngoài địa bàn xã gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông./.

Bài, ảnh: Bạch Nga

Báo Vĩnh Phúc