Du lịch Gia Lai qua ẩm thực
Cập nhật: 11/06/2021
Lời Tòa soạn: Nhà văn Vũ Bằng từng khẳng định: “Ăn uống là cả một nền văn hóa đấy chứ”. Nếu có dịp tới Phố núi Pleiku thưởng thức ẩm thực, du khách sẽ thấy đúc kết của nhà văn tài hoa này thật sâu sắc và chính xác. Xung quanh nghệ thuật ăn uống và văn hóa ẩm thực, ông Chu Văn Chỉ-nhiếp ảnh gia đồng thời là chủ Nhà hàng Tơ Nưng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có những chia sẻ thú vị.

P.V: Là nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyển qua kinh doanh ẩm thực truyền thống, chú trọng món ăn của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, hẳn là ông đưa cái đẹp của một người làm nghệ thuật vào món ăn?

- Ông Chu Văn Chỉ: Nhiếp ảnh và ẩm thực có điểm giống nhau, đó là đều chuộng cái đẹp. Nhưng sự cảm nhận cái đẹp ở mỗi người lại không giống nhau. Trước một tác phẩm nghệ thuật có người cảm được, cũng có người không. Kinh doanh ẩm thực cũng vậy, cùng một món ăn nhưng có người sẽ thấy ngon, người kia lại chưa vừa miệng. Vì vậy, chúng tôi mang đến cho thực khách không chỉ những món ăn ngon được chắt lọc qua chiều dài lịch sử mà còn là cảm xúc.

Chúng tôi quan tâm đến tính thẩm mỹ của món ăn để thực khách có thể ăn bằng mắt, bằng mũi, bằng tất cả giác quan. Nhà hàng Tơ Nưng và khuôn viên đều lấy cảm hứng từ không gian kiến trúc Tây Nguyên, hài hòa và đậm dấu ấn đời sống bản địa từ nhà rông, cây nêu, nhà sàn, bậc thang gỗ, họa tiết, thổ cẩm trang trí… tất cả nhằm tái hiện bức tranh về đời sống văn hóa phong phú, đặc sắc. Hai yếu tố này tương trợ nhau để tạo nên cảm xúc cho thực khách.

* P.V: Tại sao ông lại chọn hướng kinh doanh ẩm thực truyền thống?

- Ông Chu Văn Chỉ: Thời còn hoạt động nhiếp ảnh, tôi có cơ hội được đi nhiều, trải nghiệm nhiều món ăn truyền thống lẫn không gian làng-rừng trên khắp Tây Nguyên. Càng đi nhiều, hiểu nhiều, tôi càng yêu vùng đất này. Các tác phẩm của tôi cũng gắn chặt với văn hóa bản địa. Khi chuyển sang kinh doanh ẩm thực, tôi cố gắng đưa những gì mình yêu và hiểu vào món ăn và trang trí. Không chỉ là trang trí món ăn mà không gian thưởng thức món ăn cũng phải đầy tính thẩm mỹ, nghệ thuật, nhưng giản dị đời thường, hệt như tính cách của người bản địa. Tôi dám chắc, một tay ngang không hiểu về Tây Nguyên sẽ khó làm được như vậy.

Chính những món ăn ngon của người bản địa đã hấp dẫn tôi. Bằng cách nào đó, các món ăn của họ luôn gắn chặt với thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, nương vào thiên nhiên, độc đáo và đặc sắc từ hương vị đến khẩu vị, tác động tới tất cả các giác quan và cảm xúc. Chính vì điều đó mà món ăn thôi đã làm nên một mảng đặc sắc trong văn hóa Tây Nguyên. Chọn kinh doanh ẩm thực truyền thống, tôi còn có chút tham vọng cá nhân là vừa khai thác giá trị đặc sắc của món ăn, vừa bảo tồn để văn hóa bản địa luôn có chỗ đứng trong đời sống đương đại bằng cách này, cách khác. Hiện nay, Phố núi Pleiku có khá nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh theo hướng này. Khai thác khéo léo kho tàng ẩm thực ấy thì họ ít nhiều đều thành công.

Kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên tại Nhà hàng Tơ Nưng. Ảnh: Minh Châu

* P.V: Ông có nghĩ rằng, ẩm thực truyền thống chính là một phác họa cho du lịch Gia Lai?

- Ông Chu Văn Chỉ: Đó là điều chắc chắn. Như Nhà hàng Tơ Nưng xây dựng đối diện với danh thắng Biển Hồ-biểu tượng của du lịch Gia Lai. Ngay từ đầu, chúng tôi xác định phân khúc khách hàng chính là khách du lịch. Thực khách này muốn tìm hiểu văn hóa, thiên nhiên khi đến một vùng đất lạ. Và không có gì trực quan và sinh động, hấp dẫn hơn là giới thiệu văn hóa, con người thông qua ẩm thực.

Tuy nhiên, khi đưa món ăn bản địa vào phục vụ khách du lịch, chúng tôi có những biến tấu để món ăn hiện đại hơn, hợp khẩu vị với số đông. Cũng giống như nghệ thuật cần sự sáng tạo, một số món ăn không thể giữ nguyên như vốn có mà cần có sự sáng tạo của đầu bếp. Nhưng sáng tạo như thế nào, vẫn phải nhấn mạnh vào tính văn hóa, hương vị thuộc về dân tộc Bahnar hay Jrai. Và phải kể được câu chuyện văn hóa của món ăn ấy trên bàn tiệc phục vụ du khách.

Du lịch chính là sự trải nghiệm, mà trải nghiệm chuyện ăn rất thú vị. Thưởng thức món ngon còn là thưởng thức nghệ thuật, từ không gian, thức món, người phục vụ, yêu cầu sạch sẽ, thẩm mỹ… Trong thời buổi thương mại hóa toàn cầu này, bạn có thể mua được mọi thứ chỉ bằng một cú nhấp chuột, kể cả thức ăn. Nhưng có một thứ không thể mua được đó chính là xúc cảm. Mà trải nghiệm cảm xúc là thứ lưu lại rất lâu trong ký ức.

* P.V: Vậy theo ông, cần làm gì để đẩy mạnh quảng bá du lịch Gia Lai thông qua ẩm thực?

- Ông Chu Văn Chỉ: Hiện nay đã có một chuỗi nhà hàng kinh doanh ẩm thực truyền thống khá thành công ở Pleiku. Mỗi địa điểm đều tạo ra bản sắc riêng, mang đến cho khách du lịch ấn tượng, trải nghiệm thú vị. Ẩm thực không đơn thuần là một loại hình dịch vụ ăn uống mà hoàn toàn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Nhưng thực hiện như thế nào, bắt đầu từ đâu, ai làm bếp trưởng… lại không hề đơn giản. Hiện ngành du lịch đã gắn sao cho các nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đây cũng là cách làm hay để tạo được sự tin tưởng, an tâm cho du khách. Tuy nhiên, để hình thành hệ thống ẩm thực như một sản phẩm du lịch, cần có chiến lược quảng bá, không thể để rời rạc. Trước hết là trang web riêng giới thiệu món ăn một cách hệ thống, liên tục. Cần phân loại các nhà hàng kinh doanh món ăn truyền thống, món ăn đặc trưng vùng miền, ẩm thực chay, món Âu, Á... Giới thiệu các đầu bếp, mức giá… để khách du lịch lên mạng tìm kiếm, tin tưởng nơi mình đến thông qua bức tranh ẩm thực phong phú, đa dạng. Đó là yếu tố hấp dẫn họ đến với Gia Lai.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc

Báo Gia Lai