Đắk Lắk: Buôn Akõ Dhông phát triển du lịch cộng đồng
Cập nhật: 05/04/2021
Chúng tôi có dịp đến buôn Akõ Dhông (hay quen gọi là buôn Cô Thôn, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào dịp “tháng ba mùa con ong đi lấy mật”, thời điểm được cho là đẹp nhất trong năm, khi khí hậu Tây Nguyên mát mẻ, gió thổi se se lạnh với sự ngọt ngào của tình yêu, hoa trái đơm bông…

Nhiều hộ gia đình đã, đang bắt đầu làm du lịch cộng đồng

Con đường Trần Nhật Duật đi vào buôn Akõ Dhông thật rộng rãi, sạch sẽ, thoáng đẹp. Có lẽ, lần đầu tiên trong đời, chúng tôi bắt gặp về một buôn làng đẹp đến như vậy!.

Khung cảnh hiện ra hai bên đường là những ngôi nhà sàn, mái dài nằm xen kẽ với cây xanh và muôn loài hoa nở đua sắc thắm, tạo nên một bức tranh yên bình ở nơi đây. Nhiều homestay, quán cà phê… với không gian văn hóa của người Ê Đê ở khu vực này cũng tôn lên vẻ đẹp cho buôn làng.

Theo những người sống lâu năm ở khu vực này cho biết, Akõ - tiếng Ê Đê có nghĩa là “đầu nguồn”, còn Dhông có nghĩa là “lũng”. Đây cũng là nơi đầu nguồn của nhiều con suối và được ví là “buôn giàu có”.

Tại Akõ Dhông còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà sàn, mái dài chạy tít tắp trên con đường Trần Nhật Duật và len lỏi vào các con hẻm ở phía trong. Theo thống kê, hiện có khoảng 30 ngôi nhà sàn, nhà dài dọc theo con đường chính rất khang trang, sạch đẹp. Đây cũng là biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Ê Đê, đồng thời là linh hồn - bảo tàng “sống” về các giá trị văn hóa mà thế hệ ngày nay đang gìn giữ, phát huy.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình cũng bắt đầu tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là mô hình homestay trong các ngôi nhà sàn. Nhiều hộ gia đình trong buôn còn giữ được nét truyền thống độc đáo của văn hóa buôn làng, trong đó, có rất nhiều hiện vật quý hiếm.

Tới Không gian Arul (tại 17 - 19 Trần Nhật Duật), du khách cảm nhận rõ âm hưởng của đại ngàn, của sự mộc mạc, chân chất, biểu hiện rõ nét văn hóa của đồng bào Tây Nguyên nói chung và cộng đồng người Ê Đê nói riêng với những chiếc bàn ghế gỗ xưa cũ, bếp lửa của đồng bào hay những chiếc cầu thang đặc trưng… được sắp đặt hết sức ngẫu hứng nhưng thể hiện được sự am tường của chủ nhân.

Nét truyền thống văn hóa của người Ê Đê ở buôn Akõ Dhông

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho chúng tôi biết, ở Không gian Arul có rất nhiều câu chuyện hay về văn hóa của đồng bào người Ê Đê. Dù không có thuyết minh nhưng du khách có thể cảm nhận rất rõ văn hóa nơi đây qua từng chiếc ghế K'pan, từng cái trống, từng cái gùi…

Trong những ngày tìm hiểu nét đẹp văn hóa tại buôn Akõ Dhông, chúng tôi cũng được giới thiệu tới gia đình anh Ama Fong - nơi còn lưu giữ nhiều cồng chiêng và các vật dụng trong lao động sản xuất, sinh hoạt, đời sống văn hóa - tâm linh của đồng bào, và được thưởng thức bữa cơm ấm cúng với nhiều món ăn truyền thống của đồng bào.

Điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu

Dễ thấy nhất tại buôn Akõ Dhông đó là ngay từ lối vào các nhà sàn, ai cũng dễ bắt gặp những chiếc cầu thang bầu sữa, hết sức độc đáo. Cầu thang mang ý nghĩa ca ngợi sự trường tồn giống nòi của cộng đồng người Ê Đê, biểu hiện cho chế độ mẫu hệ, quyền lực của người phụ nữ trong xã hội. Cầu thang bầu sữa cũng là linh hồn trong những ngôi nhà sàn, giúp cho các hộ gia đình phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách đến khu vực này nhiều hơn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, ngành Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã cử một số đại diện hộ gia đình có quyết tâm, khát khao làm du lịch tại buôn đi trải nghiệm du lịch cộng đồng ở các tỉnh phía Bắc; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng ngay tại buôn, giúp người dân có động lực tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

“Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Đắk Lắk là phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất định phải gắn với phát triển du lịch và ngược lại, phát triển du lịch phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa” - ông Duẩn cho biết thêm.

Buôn Akõ Dhông được tỉnh Đắk Lắk chọn làm điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu. Theo quy hoạch, khu du lịch cộng đồng buôn Akõ Dhông rộng hơn 55ha, với quy mô dân số khoảng 3.000 nhân khẩu, trong đó, có hơn 1/3 số người sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và dịch vụ giải trí văn hóa nghệ thuật truyền thống… phục vụ khách du lịch.

Thanh Tùng

Tạp chí Du lịch