Thanh Hóa: Những làng văn hóa du lịch cộng đồng mang dấu ấn
Cập nhật: 08/02/2021
Bá Thước là huyện miền núi cao, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa, vùng Tây Bắc, vùng Bắc Trung bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Trong không gian phát triển du lịch của tỉnh, Bá Thước đóng vai trò là điểm nhấn về sinh thái và bản sắc văn hóa cộng đồng của người Thái và người Mường vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam.

Mùa thu hoạch cam tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng. Ảnh: Minh Hằng

Mục tiêu của chương trình OCOP là xây dựng, quy hoạch kiến trúc điển hình, tổ chức cộng đồng phát triển du lịch, khai thác và phát huy tối đa lợi ích mang lại từ các loại hình du lịch khác nhau, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Chương trình cũng đưa ra những định hướng hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm du lịch, xây dựng làng văn hóa du lịch gắn với các yếu tố về văn hóa, tri thức bản địa, các giá trị cảnh quan thiên nhiên... Đồng thời tạo ra giá trị khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các vùng nông thôn của tỉnh.

Thanh Hóa được quy hoạch xây dựng 2 làng văn hóa du lịch thuộc 2 xã Thành Sơn và Cổ Lũng (Bá Thước), theo Công văn 161/VPĐP-OCOP ngày 12-3-2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, tỉnh đã lập 2 dự án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, xã Thành Sơn và bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, 2 dự án này đã hoàn thành công tác lập dự án, giao Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cân đối nguồn kinh phí trong giai đoạn 2021-2025 để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Bá Thước là huyện miền núi cao, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Thanh Hóa, vùng Tây Bắc, vùng Bắc Trung bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Trong không gian phát triển du lịch của tỉnh, Bá Thước đóng vai trò là điểm nhấn về sinh thái và bản sắc văn hóa cộng đồng của người Thái và người Mường vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng bản Kho Mường, xã Thành Sơn (Bá Thước) được xây dựng nằm trong thung lũng thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Nơi đây có nhiều lợi thế cho một khu du lịch cộng đồng như: Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, truyền thống văn hóa bản địa đặc trưng. Với những cánh rừng nguyên sinh, những nếp nhà sàn cùng đời sống sinh hoạt đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, luôn gợi cảm giác cho du khách về một vùng đất bình yên, trong lành và thơ mộng. Bản có hang động, dòng suối mang vẻ đẹp nguyên sơ, được bao bọc bởi cảnh núi non hùng vỹ, uốn lượn, thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, khám phá và nghỉ dưỡng. Du khách đến đây không chỉ được thăm hang Dơi, mà còn thả bộ khám phá vẻ đẹp bản làng, với những thửa ruộng bậc thang; được tìm hiểu lễ cúng người khai phá làng gắn với nơi thờ thần làng tại Kho Mường; trải nghiệm xông, tắm lá bằng bài thuốc của người Thái; thưởng thức ẩm thực và đặc sản: lợn cỏ, gà ri, cá dầm xanh, quýt, cam... Vùng đất này có truyền thống đấu tranh cách mạng gắn với các di tích lịch sử - văn hóa; có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc, là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng, tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa và tập quán sản xuất của người dân bản địa.

Một góc khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat, bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước). Ảnh: P.N

Khác với bản Kho Mường, du khách đến với làng văn hóa du lịch cộng đồng bản Hiêu, xã Cổ Lũng chủ yếu để có cơ hội được ngắm thác Hiêu. Tại đây, du khách có thể khám phá thác nước hùng vĩ và trải nghiệm cuộc sống mang nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Thái và người Mường. Bản Hiêu có thác nước tự nhiên hùng vĩ và hệ thống sinh thái rừng tự nhiên phong phú của vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Bản Hiêu vẫn còn giữ được những nét sinh hoạt truyền thống của người Thái, người Mường. Cung đường đến thác Hiêu – bản Hiêu đẹp, thơ mộng và thuận tiện giao thông. Cách thị trấn Cành Nàng 25km, nằm trên cung đường di chuyển từ Khu Du lịch Mai Châu, Hòa Bình khiến bản Hiêu thuận tiện hơn trong quá trình đón khách. Bản Hiêu có thể kết nối với các khu di tích lịch sử nổi tiếng như: Đồn Cổ Lũng, sân bay Cổ Lũng... để tạo thành tuyến du lịch trải nghiệm khép kín trong xã. Bản Hiêu còn là quê hương của đặc sản vịt Cổ Lũng, cùng các sản vật từ rừng như: măng, gà... sẽ mang đến cho du khách những điều thi vị. Tại bản Hiêu hiện đã có cơ sở nuôi hươu sao, có thể bảo vệ loài hươu sao gắn với xây dựng câu chuyện truyền thuyết của cộng đồng về sự hình thành của bản Hiêu - câu chuyện đẹp về tinh thần lao động, sáng tạo của người Thái được lưu truyền nơi đây.

Để khai thác tiềm năng du lịch, thu hút khách tham quan đến với làng văn hóa du lịch cộng đồng, tại các bản Kho Mường, bản Hiêu đã và đang được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, như: Cải tạo đường lên xuống tại hang Dơi, một số điểm check-in gắn với biểu tượng du lịch tại bản Kho Mường, bản Hiêu; cải tạo đền thờ thần làng; bãi đỗ xe, đường đi lại trong thôn; tu sửa nhà văn hóa cộng đồng thành điểm trưng bày, giới thiệu văn hóa Mường, Thái có ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm kết nối các điểm du lịch hiện có tại Bá Thước và các vùng lân cận tới bản Kho Mường, bản Hiêu. Xây dựng và kịch bản hóa những giá trị nhân văn tại bản Kho Mường, bản Hiêu, như: Truyền thuyết về người sáng lập làng; tri thức canh tác lúa nương; tri thức bản địa về cách ăn, mặc, ở, chữa bệnh bằng cây rừng... của người Thái, người Mường (nhóm quý tộc, nhóm bình dân) thời xưa... Trưng bày các công cụ sản xuất bằng tre, luồng của người dân địa phương để khách du lịch tìm hiểu về tập quán sinh hoạt của người Thái, người Mường trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Tích hợp các tri thức về văn hóa bản địa trên hệ thống lưu trữ phần mềm blockchain và website của bản. Xây dựng câu chuyện cộng đồng và các hoạt động diễn xướng kể lại câu chuyện cho khách du lịch thông qua già làng, đội văn nghệ bản. Phát triển đội văn nghệ tại bản để biểu diễn lại các làn điệu dân ca của người Thái. Xây dựng các dịch vụ du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá gắn với hang Dơi. Cùng với đó là xây dựng biểu tượng du lịch, tour kết nối khách du lịch từ Mai Châu, bản Đôn... đến bản Kho Mường, bản Hiêu.

Các dự án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, bản Hiêu đang mở ra cơ hội trở thành điểm đến thú vị, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, trở thành sản phẩm du lịch cộng đồng đạt đẳng cấp 5 sao của chương trình OCOP. Qua đó làm tăng lượng khách đến hàng năm, đưa thu nhập từ du lịch cộng đồng trở thành nguồn thu chính của bản, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân trong huyện, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Mục tiêu của các dự án này trong giai đoạn 2019–2020 là nhằm tăng thu nhập, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương thông qua du lịch cộng đồng. Phát triển dịch vụ bán hàng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang phát triển nông nghiệp và du lịch. Tạo việc làm cho người dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số, khôi phục làng nghề truyền thống. Đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế của huyện được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo cho người dân địa phương sống trong vùng bảo tồn thiên nhiên Pù Luông giảm xuống. Các dự án này cũng sẽ dự kiến góp phần tăng ít nhất 30% khách du lịch đến bản Kho Mường và bản Hiêu; đồng thời tăng ít nhất 30% thu nhập cho người dân địa phương.

Bản Kho Mường và bản Hiêu có tiềm năng phát triển trở thành mô hình du lịch cộng đồng theo hướng mô hình làng văn hóa du lịch 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối và chia sẻ thông tin, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt, thu hút khách du lịch hiện có tại Khu Du lịch Pù Luông và các vùng du lịch lân cận như: Mai Châu, Mộc Châu... Vì vậy, cần xem xét những can thiệp cụ thể, vừa tách biệt, vừa gắn kết giữa hai điểm du lịch bản Kho Mường và bản Hiêu, để có những hỗ trợ kết nối thị trường, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch, phát triển sinh kế của người dân gắn với du lịch và nông nghiệp, đặc biệt gắn kết với chương trình OCOP của tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện các dự án, nhằm đạt được mục tiêu về sản phẩm OCOP cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo lộ trình đã đề ra.

Ngọc Anh

Báo Thanh Hóa