Đi tìm "Pha Luông mưa xa khơi"
Cập nhật: 12/05/2020
Núi Pha Luông, hay còn gọi là Bờ Lung (tiếng Thái nghĩa là núi lớn) nằm ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đỉnh núi Pha Luông cao gần 2.000 m so với mực nước biển, là đường biên giới phân chia hai nước Việt - Lào.

Từ ngàn đời nay, Pha Luông luôn hiện diện trong tâm trí mỗi người dân ở Mộc Châu với đỉnh núi sừng sững. Còn với bao thế hệ học sinh cả nước, Pha Luông là địa danh hiểm trở, gắn liền với đoàn quân Tây Tiến trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Quang Dũng:

"Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".

Tôi đến Mộc Châu vào những ngày nắng ấm cuối đông đầu xuân, cao nguyên Mộc Châu như cô gái đang tuổi xuân thì bừng tỉnh sau một kỳ ngủ đông dài bởi sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận.

Pha Luông được xem là nóc nhà của Mộc Châu với đa phần là người đồng bào Mông sinh sống. Đường lên đỉnh núi Pha Luông có thể chia làm 3 chặng: từ Mộc Châu đến chân núi dài khoảng 20 km, từ chân núi đến đồn biên phòng Pha Luông nằm ở lưng chừng núi, dài khoảng 6 km và từ đồn biên phòng lên đỉnh dài khoảng 10 km nữa.

20 km đầu tiên là chặng đơn giản nhất vì con đường đã được trải nhựa và bê-tông. Ngay sát chân núi là bản làng của người Mông Đen. Ở đây tôi đã gặp Thái - một thanh niên người Mông nhỏ thỏn, năm nay vừa tròn 20 tuổi. Cậu đồng ý làm porter (người hỗ trợ) cho chúng tôi trong đoạn đường tiếp theo.

Sương khói lảng đảng trên đường đến Pha Luông

Tôi đến chân núi Pha Luông khi trời vừa nhập nhoạng tối và giờ đây các thử thách mới thực sự bắt đầu. 6 km tiếp theo là một lối mòn nhỏ, dẫn từ bản đến đồn biên phòng Pha Luông với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm. 

Con đường đất đỏ bị sạt lở nặng nề, dốc dựng đứng và trơn trượt. Những con xe từ miền xuôi của chúng tôi gầm gừ leo lên dốc. Trong khi đó, Thái dẫn đường cho chúng tôi bằng con xe Wave "mui trần" khỏe khoắn. Đường rất khó đi và nguy hiểm nên tôi gần như buộc phải cuốc bộ hầu hết cả chặng. 

Những đoạn dễ đi hơn, Thái đề nghị được chở vì trời đã tối. Ngồi sau xe cậu con trai người Mông, tôi hồi hộp đến nghẹt thở bởi tất cả các giác quan phải căng ra, tập trung vào việc bấu víu làm sao để không rơi ra khỏi yên xe.

Trên đường chinh phục Pha Luông có những đoạn mát rượi dưới tán rừng già

Tối hôm đó, chúng tôi ngủ tại nhà của một người dân địa phương. Trời càng về đêm càng lạnh, anh chị chủ nhà nấu nước nóng cho chúng tôi vệ sinh và chuẩn bị một mâm cơm chuẩn hương vị của núi rừng, gồm: trứng rán, cải đắng luộc và măng rừng xào. Tôi nhớ như in tiếng đàn và giọng hát của anh chủ nhà trong buổi tối hôm đó. Trong không gian tĩnh mịch, bao quanh là núi đồi, tiếng hát anh thanh khỏe khoắn cất lên, hòa cùng tiếng kêu của ếch nhái, tiếng của gió lùa qua kẽ đá, vang vọng, hòa thành một bản tình ca Tây Bắc phóng khoáng.

3 giờ sáng hôm sau, dưới ánh đèn pin le lói, chúng tôi lên đường chinh phục đỉnh Pha Luông. Ngọn núi này không quá cao nhưng đòi hỏi người leo phải có một sức bền tốt. Khác với các đỉnh núi khác thường có đoạn leo lên cao, sau đó sẽ đi xuống để người leo được phục hồi thể lực, còn Pha Luông chỉ thuần là những đoạn dốc thẳng đứng, đi lên liên tục, có khi phải đu bám và leo trèo. Chúng tôi đã ngắm bầu trời đầy sao qua các khoảng hở của tán cây, vừa đi vừa hát vang các ca khúc của cố nhạc sĩ Trần Lập, xé tan màn đêm, đánh thức cả núi rừng.

Mỏm cá sấu sống ảo huyền thoại trên đỉnh Pha Luông

Vậy là tôi đã tìm và chinh phục thành công "Pha Luông mưa xa khơi". Những bước chân mệt nhoài, cảm giác sung sướng và tự hào hòa vào nhau. Giờ đây, với tôi Pha Luông không còn là địa danh xa xôi chỉ nằm trong sách vở, mà nó là một phần ký ức tuyệt đẹp của thanh xuân.

Bài và ảnh: Minh Thảo

Báo Người lao động