Tạo bước đột phá cho du lịch vùng đất cực Nam của Tổ quốc
Cập nhật: 20/01/2020
Cà Mau là vùng đất thiên phú, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách bởi vị trí địa lý khác biệt. Cà Mau vừa có đảo, rừng, vừa có biển nên được cho là nơi “Đất nở ra, rừng biết đi, biển sinh sôi”, ẩn chứa tiềm năng phát triển du lịch.
Tuy nhiên thời gian qua, vì nhiều lý do mà “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh chưa phát triển xứng tầm như mong đợi.
 
Mới ở dạng sơ khai
 
Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, là một trong 4 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hai hệ sinh thái rừng mặn ngọt và rừng đước ngập mặn đặc trưng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Phát huy lợi thế sẵn có, tỉnh Cà Mau xác định “chìa khóa” mở đường cho ngành "công nghiệp không khói" của địa phương phát triển là loại hình du lịch xanh. Điểm nhấn của du lịch Cà Mau là tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau-khu Ramsar thế giới; kết hợp với khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tạo nên sự đa dạng về tiềm năng thế mạnh của du lịch Cà Mau. Theo thống kê năm 2019, lượng khách đến Cà Mau ước đạt 1.673.000 lượt, tăng 16% so với năm 2018 (khách quốc tế 28.800 lượt, khách nội địa 1.644.200 lượt), doanh thu đạt hơn 2.495 tỷ đồng.
 
Mặc dù du lịch có bước phát triển khá mạnh nhưng theo nhiều chuyên gia, du lịch Cà Mau chỉ mới “khai sáng” khoảng 3 năm nay. Lý giải điều này, ông Hoàng Thanh Quý, Giám đốc điều hành Hàng không Hải Âu, Thiên Minh Group, cho rằng: “Giao thông về Cà Mau còn nhiều hạn chế. Cảng hàng không Cà Mau quá nhỏ, khai thác chưa hiệu quả. Hiện cảng hàng không với hiệu suất khai thác 200.000 khách/năm của Cà Mau chỉ vận hành đạt gần 20% công suất với mỗi ngày một chuyến đi-về tuyến TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, đường bộ từ TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau phải mất từ 5-6 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Còn đối với đường thủy, Cà Mau cũng chỉ có những tuyến tàu nhỏ nối với Cần Thơ, chủ yếu chuyên chở hành khách đi lại chứ không có khả năng phục vụ mục tiêu du lịch”.
 
 
Du khách tham quan Đất mũi Cà Mau.
 
Nêu lên hàng loạt khó khăn cản trở phát triển du lịch, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau nhìn nhận: Đặc thù du lịch địa phương chủ yếu dựa vào đất rừng sinh thái, “đụng” tới là đất của vườn quốc gia nên rất khó có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược. “Ngay như Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, điểm đặc biệt và thiêng liêng như thế nhưng để tìm một nhà đầu tư đủ tầm, nhà đầu tư chiến lược thì chưa có, mà tỉnh thì không dám giao cho các nhà đầu tư nhỏ, dễ dẫn đến thực hiện một cách manh mún, khó kiểm soát theo quy hoạch. Du lịch ở Cà Mau hiện chỉ mới dừng ở dạng tham quan, thưởng thức ẩm thực, chưa có các hoạt động, khu vực để vui chơi. Thực tế, lượng khách hằng năm đến Cà Mau tuy có tăng nhưng chưa cao, thời gian lưu trú thấp, nhất là số cơ sở lưu trú du lịch đạt hạng sao còn ít, chất lượng chưa đáp ứng so với yêu cầu. Ngoài ra, lực lượng lao động ngành du lịch chưa qua đào tạo hiện chiếm hơn 50%, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động du lịch của tỉnh nhà”, ông Hùng trăn trở.
 
Để Cà Mau không chỉ là một điểm đến
 
Là người gắn bó với Việt Nam một thời gian dài, am hiểu và hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Vietnam Center in Thailand, Chủ tịch Công ty Du lịch Virgo Solution nhận định: Cà Mau có đầy đủ điều kiện để trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam. Theo ông, để du lịch Cà Mau phát triển xứng tầm phải xây dựng hạ tầng tốt, nhân sự tốt, dịch vụ và sản phẩm tốt. Quy hoạch phát triển du lịch không mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, dựa vào cộng đồng và huy động nguồn lực của cộng đồng để làm du lịch.
 
“Tại các địa phương có vườn quốc gia, có nhiều điểm du lịch thu hút du khách như các huyện: Ngọc Hiển, U Minh, Trần Văn Thời và TP Cà Mau… tỉnh Cà Mau cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường bằng các hoạt động cụ thể, như: Hướng dẫn, hỗ trợ thu gom, phân loại rác thải nguy hại; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu gom, xử lý rác thải của các đơn vị kinh doanh du lịch”, ông Peerapol Triyakasem đề xuất.
 
Nói về định hướng phát triển du lịch của Cà Mau, ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua nhằm tạo ra điểm nhấn, đa dạng sản phẩm du lịch, tỉnh Cà Mau đã đầu tư và đưa vào khai thác tuyến tham quan du lịch xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau gồm 4 tuyến với những nét đặc trưng, đi qua các điểm, như: Kênh Rạch Mũi, tham quan điểm nuôi hàu lồng-kênh Rạch Vàm, điểm dừng chân bãi bồi phía tây… Với chuỗi sản phẩm du lịch gắn với điểm cực Nam và điểm du lịch cộng đồng đất mũi, tuyến du lịch xuyên rừng được xem là sản phẩm du lịch mới và cho đến thời điểm hiện tại chỉ có ở Cà Mau.
 
Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu một số sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển du lịch. Đến thời điểm này, tỉnh đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, như: Sản phẩm tôm khô Rạch Gốc (Ngọc Hiển), cá khô bổi (U Minh), khô khoai Cái Đôi Vàm (Phú Tân), cua Năm Căn, bồn bồn Tân Hưng Đông (Cái Nước), bánh phồng tôm Hàng Vịnh (Năm Căn), mắm lóc Thới Bình... góp phần mang đến cho du khách những cảm nhận ấn tượng về đặc sản ẩm thực của vùng đất Cà Mau.
 
Bài và ảnh: Ngọc Quyên
Báo Quân đội nhân dân